Ho nặng kéo dài có thể do rối loạn vận động thực quản
(Dân trí) - Rối loạn vận động thực quản - vấn đề chiếm 90% ca bệnh thực quản thường bị bỏ sót, điều trị không hiệu quả - có thể được chẩn đoán chính xác với 2 kỹ thuật mới là đo vận động thực quản độ phân giải cao (HRM) và đo pH trở kháng thực quản 24h.
Là một trong những cơ sở y tế đầu tiên ở Việt Nam sử dụng 2 phương pháp này trong chẩn đoán, Bệnh viện Đa khoa quốc tế (ĐKQT) Vinmec Times City đã thành công tìm ra được đúng bệnh để điều trị, giải thoát nỗi ám ảnh cho người bệnh về những căn bệnh giấu mặt, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Ho "cào họng, hết hơi" gần chục năm
Đã 8 năm nay, ông N.X.K (75 tuổi, ở Quảng Ninh) sống chung với những cơn ho ngày đêm. Ông đã đi khám chuyên khoa tai mũi họng, hô hấp, nội soi, trào ngược rồi kích ứng… nhiều nơi năm này qua năm khác, nhưng cơn ho vẫn không chấm dứt khiến ông đã có tâm lý chán nản, buông xuôi.
"Cơn ho của tôi rất khác lạ. Tôi bị ho như cào họng, rách ruột. Tôi ho đến mức hàng xóm còn sang hỏi thăm, giục các con cho tôi đi thăm khám. Còn các con thì sau khi khám 1 vòng các nơi thì đòi chuẩn bị tiền đưa tôi sang Singapore để xem có phải bị ung thư hay không. Các đêm tôi thường xuyên ngủ ngồi hoặc thức trắng, vợ tôi cũng mất ngủ theo. Tôi ngậm không biết bao nhiêu loại thuốc ho và uống các loại thuốc lá, ai bảo gì làm nấy", ông K chia sẻ.
Theo ông K, đợt tháng 10, vì ho mệt đến mức không ăn không ngủ được nên con gái đã đưa ông lên Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City để kiểm tra tổng thể. Ngay lập tức, bác sĩ Trung tâm Tiêu hóa, Bệnh viện Vinmec đã nhận ra điều bất thường ở các cơn ho kéo dài, chỉ định đo vận động thực quản độ phân giải cao (HRM) kết hợp cùng nội soi tiêu hóa. HRM là một kỹ thuật mới để khảo sát chức năng thực quản thông qua việc đo các cơn co bóp của thực quản và sự phối hợp của các cơ thực quản trong quá trình thức ăn đi đến dạ dày.
Chỉ trong 30 phút thực hiện kỹ thuật đo vận động thực quản, nguyên nhân ho kéo dài đã được làm rõ, kết luận ông bị tắc nghẽn đường ra thực quản. Đây là một bệnh lý rối loạn vận động thực quản, khá khó chẩn đoán. HRM là phương pháp chính xác và tiêu chuẩn nhất để chẩn đoán bệnh lý này. Những nơi ông thăm khám trước đều chưa sử dụng công cụ này nên bệnh đã bị bỏ sót. Được điều trị theo hướng mới, đáp ứng tốt nên chỉ sau 1 ngày, tình trạng ho của ông giảm dần và đến nay đã hết.
"Cuối cùng bố cũng được giải thoát khỏi những cơn ho dai dẳng ngày đêm. Trên hết là bố tôi có niềm tin với y khoa, với các bác sĩ nên tuân thủ điều trị các vấn đề sức khỏe khác của ông chứ không còn né tránh hay chán chường như trước", chị N.T.T, con gái ông K cho biết.
Khỏi bệnh nhờ bộ đôi tiêu chuẩn "vàng" trong chẩn đoán
Tương tự như ông K, chị P.M.H (33 tuổi, ở Hà Nội) gần 20 năm rất tự ti với vấn đề hôi miệng, hay bị ho viêm họng, nóng rát cổ họng, cứ hết thuốc trào ngược bệnh lại tái phát. Đinh ninh là do hở van dạ dày, chị đã đến khám tại Bệnh viện Vinmec Times City để tư vấn mổ.
Do chị H có các cơn trào ngược nên ngoài đo HRM, các bác sĩ đã chỉ định người bệnh thực hiện đo pH 24h. Kết quả đã loại trừ cho chị bệnh trào ngược dạ dày thực quản và hở van dạ dày, đồng thời xác định được nguyên nhân thực sự là do viêm Amidan hốc bã đậu. Các cục mủ ứ đọng nhiều lần tại Amidan dẫn đến tình trạng hôi miệng và thường xuyên viêm họng. Sau khi phẫu thuật cắt amidan, có hơi thở thơm tho khiến chị cảm thấy như có một cuộc sống mới.
PGS.TS.BS Phạm Đức Huấn, Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật - Tiết niệu, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City cho biết: "Lâu nay, các bệnh rối loạn vận động thực quản ít phổ biến hơn các bệnh lý tiêu hóa khác nên ít được quan tâm. Với định hướng thực hành lâm sàng dựa trên bằng chứng thực tiễn nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị và lợi ích tối ưu cho người bệnh, Vinmec Times City đã đưa vào triển khai thường quy 2 kỹ thuật quan trọng này.
Với các bệnh lý rối loạn vận động thực quản có tần suất mắc cao là trào ngược dạ dày thực quản (GERD), nhất là co thắt tâm vị (Achalasia), bộ đôi đo HRM và đo pH thực quản 24h còn được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán".
ThS.BS Nguyễn Xuân Mười, Trưởng Đơn vị Nội soi Can thiệp tại Vinmec Times City, cho hay, việc thực hiện HRM và đo pH thực quản 24 giờ không chỉ giúp xác định chính xác các triệu chứng ho kéo dài có liên quan đến trào ngược acid, mà còn hỗ trợ bác sĩ xác định độ dài cơ thắt thực quản cần cắt và theo dõi hiệu quả điều trị sau phẫu thuật.
Trước đây, co thắt tâm vị thường được điều trị bằng phương pháp nong thực quản tạm thời hoặc phẫu thuật cắt cơ thực quản triệt căn. Thời gian gần đây, tại nhiều quốc gia phát triển, bệnh này đã được điều trị hiệu quả hơn nhờ phương pháp ít xâm lấn - nội soi cắt cơ thắt thực quản qua đường miệng (POEM).
Với ưu điểm ít biến chứng, hạn chế tác dụng phụ, và mang lại hiệu quả điều trị cao, lâu dài, ít tái phát, POEM đã mở ra một lựa chọn điều trị đầy triển vọng cho bệnh nhân co thắt tâm vị. Tại Việt Nam, ThS.BS Nguyễn Xuân Mười, Trưởng Đơn vị Nội soi Can thiệp tại Bệnh viện Vinmec Times City là một trong những bác sĩ thực hiện thành công kỹ thuật này.