Hiểu thế nào cho đúng về thực phẩm gây ung thư?
(Dân trí) - Nhắc tới một chất nào đó trong thực phẩm gây ung thư, chúng ta thường có tâm lý hoang mang lo sợ. Vậy, ta nên hiểu cặn kẽ vấn đề này như thế nào?
Nhiều căn nguyên gây ung thư
Ung thư là căn bệnh ám ảnh với nhiều người. Vì thế, chỉ cần thoạt nghe bất cứ thứ gì liên quan đến ung thư, chúng ta đều sợ.
Cần phải nói thêm, ung thư là căn bệnh xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như do gen di truyền, do tiếp xúc lâu dài với hóa chất độc hại, chất phóng xạ, do một số nguyên nhân liên quan đến lối sống (uống rượu bia nhiều, hút thuốc lá, căng thẳng và mất ngủ kéo dài…). Bên cạnh đó, có một nguyên nhân gây ung thư liên quan đến chế độ dinh dưỡng, thói quen ăn uống, sử dụng thực phẩm. Ví dụ như một số loại nấm mốc trong gạo bị lên mốc, thực phẩm khô lên mốc, rất dễ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí có thể dẫn đến ung thư gan.
Tuy nhiên, nếu nói chung chung một thực phẩm không bị hư hỏng nào đó "ăn nhiều gây ung thư" thì lại là không hoàn toàn đúng. Hẳn nhiều người khi nghe những thông tin như: ăn thực phẩm đóng hộp gây ung thư, thịt xông khói gây ung thư, khoai tây chiên gây ung thư, mì gói gây ung thư… đều muốn tìm hiểu cho tường tận, bởi đây là những món ăn quen thuộc với nhiều người.
Về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội nhấn mạnh, thực phẩm nào cũng luôn có hai mặt tốt và xấu. Vì thế, mọi người nên bình tĩnh và tránh tâm lý hoang mang trước thông tin thực phẩm này, thực phẩm kia chứa chất gây ung thư hoặc có hại cho sức khỏe.
"Thực phẩm nào cũng vậy, ngay cả thực phẩm tự nhiên cũng chứa thành phần, hàm lượng nhất định chất gây hại, tuy nhiên ở ngưỡng cho phép (theo quy định của pháp luật) thì là an toàn", PGS Thịnh nói.
Theo chuyên gia, việc quan trọng là ăn vừa đủ, cái gì tốt dù ăn quá nhiều cũng không nên, cái gì "xấu", không phải là phải kiêng tuyệt đối. Như món thịt nướng, dưa muối chua, khoai tây chiên… là những món ăn được cảnh báo "có nguy cơ ung thư" khi ăn nhiều, nhưng ăn vừa phải, thỉnh thoảng đổi món cho gia đình là hoàn toàn bình thường, không phải cứ ăn là bị ung thư.
"Ngay với các tác nhân khác, như hít khói xe có nhiễm chất gây hại, hít khói thuốc lá, uống nguồn nước có nhiễm hóa chất, ăn các thực phẩm rau quả cá thịt có tồn dư của thuốc trừ sâu, của chất hóa học…là những yếu tố gia tăng ung thư, nhưng điều quan trọng là, con người tiếp xúc với các chất này ở mức độ nào, có liên tục, thường xuyên, có ở hàm lượng rất cao (vượt quá ngưỡng an toàn) hay không, vì chỉ trong những điều kiện như vậy, chúng mới gây ảnh hưởng rõ nét đến sức khỏe", PGS Thịnh phân tích.
Ông dẫn chứng thêm, ví như một số kim loại nặng như arsen, cadmi, chì, thủy ngân đều là chất độc, có thể gây ngộ độc cấp tính và mạn tính nhưng chúng vẫn có mặt trong nhiều thực phẩm mà thực phẩm này vẫn được coi là an toàn (khi ở trong giới hạn cho phép theo quy định).
An toàn trong giới hạn cho phép
TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện Trưởng Viện y học ứng dụng Việt Nam cũng cho rằng, mỗi ngày chúng ta đều tiếp xúc với một số "chất gây hại" có trong các loại thực phẩm khác nhau từ thực phẩm công nghiệp cho đến thực phẩm tự nhiên tươi sống. Tuy nhiên, khi hàm lượng những "chất gây hại" này vẫn nằm trong giới hạn cho phép theo quy định thì chúng vẫn được xem là chưa thể gây hại cho cơ thể.
Tại Việt Nam, Bộ Y Tế đã ban hành quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm để đảm bảo các phụ gia có trong thực phẩm được lưu hành đều ở mức an toàn với người tiêu dùng. Danh mục phụ gia của được xây dựng tương tự danh mục của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex).
"Mỗi phụ gia và hàm lượng có mặt trong danh mục của Codex phải trải qua 8 vòng đàm phán, trong 5-7 năm. Quan trọng là các phụ gia được Codex cho phép đã được đánh giá khoa học kỹ lưỡng", một lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm thông tin.
Theo TS Sơn, thực phẩm nào cũng có mặt tốt-xấu. "Ngay cả những thực phẩm vốn được xem là rất tốt cho cơ thể, nếu tiêu thụ một lượng quá lớn thì vẫn có thể gây nên những ảnh hưởng xấu lên sức khỏe". Rõ ràng, chúng ta không nên đánh giá chủ quan "thực phẩm tốt", "thực phẩm xấu" và lạm dụng ăn quá nhiều hoặc né tránh hẳn, sợ hãi một cách không cần thiết. Chế độ dinh dưỡng khoa học được khuyến khích luôn là ăn đa dạng, kết hợp nhiều nhóm dưỡng chất khác nhau. Ngoài chế độ dinh dưỡng, mỗi người cần duy trì lối sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn 30-60 phút mỗi ngày, tránh căng thẳng để bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa ung thư.