Hiệu quả miễn dịch của vắc xin Covid-19 Việt Nam được đánh giá thế nào?

Minh Nhật

(Dân trí) - Trên dữ liệu ghi nhận cho thấy vắc xin Covivac ở giai đoạn một có tính an toàn rất tốt, đánh giá sơ bộ bước đầu về tính sinh miễn dịch cũng rất khả quan.

Hiện tại quá trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19 Việt Nam Covivac đã hoàn thành lần thăm khám thứ 6 với các tình nguyện viên sau tiêm chủng giai đoạn một. Trên dữ liệu ghi nhận cho thấy vắc xin này ở giai đoạn một có tính an toàn rất tốt, đánh giá sơ bộ bước đầu về tính sinh miễn dịch cũng rất khả quan.

Trao đổi với PV Dân trí sáng 30/6, PGS.TS Vũ Đình Thiểm, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, dự kiến sắp có báo cáo giữa kỳ giai đoạn một của vắc xin Covivac, để chuyển sang giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ 2.

Hiệu quả miễn dịch của vắc xin Covid-19 Việt Nam được đánh giá thế nào? - 1

Vắc xin Covivac.

"Chúng tôi đang cố gắng trong khoảng thời gian cuối tháng 7, đầu tháng 8 có thể bắt đầu hoạt động thực địa của giai đoạn 2, tức là triển khai tuyển tình nguyện viên tham gia và tiêm thử nghiệm. Ở thời điểm hiện tại, tất cả các khâu chuẩn bị như đào tạo, tập huấn,… đang được gấp rút thực hiện để kịp tiến độ", PGS Thiểm cho hay.

Hiện tại, mẫu máu của các tình nguyện viên đã tiêm vắc xin cũng đang được gửi sang một cơ quan độc lập ở Canada để đánh giá khách quan hiệu quả sinh miễn dịch của vắc xin.

Giải thích rõ hơn về quy trình này, PGS Thiểm cho biết, mỗi tình nguyện viên sẽ được lấy mẫu máu vào 5 thời điểm khác nhau để đánh giá hiệu quả sinh miễn dịch, cụ thể:

- Mẫu thứ nhất được lấy ngay trước khi tiêm liều một. Đây được gọi là mẫu nền.

- Mẫu thứ 2 được lấy ngay trước lúc tiêm liều 2, tức là gần một tháng sau khi tiêm liều đầu tiên. Mục đích là để xác định xem sau khoảng một tháng, liều tiêm đầu tiên đã có thể sinh kháng thể hay chưa.

- Mẫu thứ 3 được lấy vào thời điểm 14 ngày sau tiêm liều 2. Mục đích là để đánh giá xem 14 ngày sau khi tiêm 2 liều vắc xin, khả năng tạo kháng thể như thế nào, có hơn trước đó hay không.

- Mẫu thứ 4 được lấy vào thời điểm 197 ngày sau khi tiêm liều một, để đánh giá lượng kháng thể còn lại trong máu sau khoảng 6 tháng, liệu nó sẽ giảm đi hay tăng thêm.

- Mẫu cuối cùng được lấy vào thời điểm một năm sau khi tiêm liều thứ nhất. Mục đích là để đánh giá xem sau một năm lượng kháng thể còn lại bao nhiêu, bao nhiêu người còn kháng thể để phòng bệnh.

Hiệu quả miễn dịch của vắc xin Covid-19 Việt Nam được đánh giá thế nào? - 2

Tiêm vắc xin Covid-19 cho tình nguyện viên.

"Hiện tại, chúng tôi đã gửi được 3 mẫu đầu tiên của các tình nguyện viên sang Canada để đánh giá. Sau khi gửi, trung bình sẽ mất khoảng 1-1,5 tháng để có kết quả", PGS Thiểm thông tin.

Như vậy, với 120 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một, hiện có 360 mẫu được gửi sang Canada. Mỗi mẫu cũng được chia thành 8 túyp để dự phòng khi có sự cố, hỏng hóc.

Cũng theo chuyên gia này, các số liệu thu thập được của giai đoạn thử nghiệm thứ nhất sẽ được kiểm tra độc lập bởi một cơ quan tại Thái Lan.

PGS Thiểm phân tích: "Cơ quan này sẽ đánh giá độc lập và phân tích số liệu về các tỷ lệ phản ứng phụ như: bao nhiêu phần trăm, mức độ nặng nhẹ như thế nào… Tức là các biến cố bất lợi trong dự kiến, ngoài dự kiến như thế nào, tỷ lệ ra sao".

"Chúng tôi đang cố gắng làm càng nhanh càng tốt nhưng đương nhiên là vẫn tuân thủ chặt chẽ các quy định bắt buộc. Như thế mới đảm bảo tốt nhất chất lượng nghiên cứu của vắc xin. Chúng tôi cũng rất kỳ vọng vắc xin này ngoài vấn đề cung cấp cho Việt Nam thì còn có thể cung cấp cho thế giới", PGS Thiểm nhấn mạnh.

Covivac, do Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) sản xuất, là vắc xin Covid-19 thứ hai của Việt Nam được Hội đồng Đạo đức, Bộ Y tế chấp thuận cho thử nghiệm trên người (bên cạnh Nanocovax do Nanogen phát triển).

120 tình nguyện viên thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một được chia thành 5 nhóm để tiêm với các mức liều khác nhau.

Theo TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC, vắc xin Covivac là vắc xin vector  Newcastle (NDV), gắn gen biểu hiện Protein S của virus SARS-CoV-2, được sản xuất trên công nghệ trứng gà có phôi. Công nghệ này cũng được sử dụng để sản xuất vắc xin dự phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam.