1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hiểu lầm “thời gian vàng” can thiệp đột quỵ bệnh nhân sẽ mất mạng

(Dân trí) - Người bị đột quỵ cần được can thiệp càng sớm càng tốt để tránh di chứng, tử vong, thời gian vàng là 6 giờ đầu. Các chuyên gia Can thiệp Thần kinh Thế giới cảnh báo, sự hiểu lầm về thời gian can thiệp đột quỵ sẽ khiến bệnh nhân đối mặt với nguy cơ tử vong.

Chỉ 10% người đột quỵ trở lại cuộc sống bình thường

Nữ bệnh nhân Đinh Thị C. (63 tuổi, ngụ tại Sóc Trăng) đến bệnh viện Đột Quỵ Cần Thơ trong tình trạng nguy kịch. Qua khai thác bệnh sử bác sĩ ghi nhận, 4 giờ trước khi nhập viện, nữ bệnh nhân có biểu hiện yếu liệt nửa người bên phải, lơ mơ, không nói được. Kết quả chiếu chụp cho thấy, bệnh nhân bị tắc động mạch não giữa bên trái, có tổn thương não. Các bác sĩ quyết định can thiệp cấp cứu lấy huyết khối động mạch não, tái thông mạch máu cho người bệnh. Sau can thiệp, bệnh nhân đã bình phục tốt, tri giác ổn định, vận động được chân tay.

Hiểu lầm “thời gian vàng” can thiệp đột quỵ bệnh nhân sẽ mất mạng - 1

Chỉ có 10% bệnh nhân trở lại cuộc sống bình thường cho thấy sự nguy hiểm rất lớn đối với sức khỏe, sinh mạng do đột quỵ gây ra

Đó là trường hợp may mắn qua nguy kịch nhờ được phát hiện sớm, chẩn đoán, can thiệp, điều trị kịp thời. Tuy nhiên, trên thực tế rất nhiều bệnh nhân đột quỵ đang từng giờ, từng ngày mất đi cơ hội sống vì không được hỗ trợ chuyên môn trong thời gian vàng (6 giờ kể từ khi bị đột quỵ). Ước tính, mỗi năm trên cả nước có hơn 200.000 ca đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong, chỉ có 10% được can thiệp kịp thời, trở lại với cuộc sống bình thường.

Những nguyên nhân thường gặp khiến người đột quỵ nhập viện muộn thường là do tâm lý chủ quan; xử lý cấp cứu ban đầu không đúng cách (cạo gió, chích lể, nặn máu); thời gian chuyển viện kéo dài do quãng xa, kẹt xe. Nhiều ca bệnh nhập viện sớm sau khi có những biểu hiện bất thường vẫn “chết oan” vì bác sĩ không có kiến thức về đột quỵ, bệnh viện không đủ thiết bị cứu chữa.

Hiểu lầm “thời gian vàng” can thiệp đột quỵ bệnh nhân sẽ mất mạng - 2
TS Trần Chí Cường cho biết nhu cầu can thiệp thần kinh, điều trị đột quỵ ngày càng tăng cao

Theo TS.BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh, TPHCM: Nhu cầu can thiệp thần kinh, đột quỵ của người bệnh tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung hiện đang ở mức rất cao, xu hướng ngày càng tăng do những tác động từ môi trường sống và sự thay đổi từ các bệnh truyền nhiễm sang các bệnh mạn tính không lây.

Việt Nam đã có một số bệnh viện bắt kịp với sự phát triển của lĩnh vực can thiệp thần kinh, đột quỵ toàn cầu. Phần lớn bệnh viện còn lại đang ở thời điểm sơ khai, nhóm các bệnh viện tuyến cơ sở gần như hoàn toàn không biết về can thiệp nội mạch, khi đối mặt với những ca bệnh cần can thiệp bác sĩ không thể làm gì hơn ngoài chuyển viện.

Hiểu sai thời gian can thiệp đột quỵ, bệnh nhân sẽ tử vong

Phân tích chuyên môn của TS Trần Chí Cường chỉ ra: “Việc chậm trễ cứu chữa để lại hệ lụy khôn lường cho người bệnh bởi mỗi phút trôi qua, bệnh nhân sẽ mất đi 2 triệu tế bào thần kinh, khoảng 1 giờ sau não của bệnh nhân sẽ bị tổn thương nặng, càng để lâu hơn sự sống sẽ càng mong manh khi đó dù bác sĩ tiếp cận có kỹ thuật giỏi tương đồng thế giới cũng sẽ mất bệnh nhân”.

Hiểu lầm “thời gian vàng” can thiệp đột quỵ bệnh nhân sẽ mất mạng - 3
Bệnh nhân bị đột quỵ cần can thiệp càng sớm càng tốt để hạn chế nguy cơ di chứng, tử vong

Người bị đột quỵ não cấp, việc điều trị cần tiến hành càng sớm càng tốt, thời gian vàng của bệnh nhân kể từ khi đột quỵ đến khi can thiệp để đạt kết quả khả quan nhất là 6 giờ đầu. Nhưng theo TS Trần Chí Cường: “Thực tế, có những ca đột quỵ nặng, bệnh nhân đến sớm trong vòng 1 tới 2 giờ đầu vẫn đối mặt với những tổn thương não nghiêm trọng do bệnh nhân bị hít sặc, nghẹt đường thở dẫn tới thiếu ôxy não hoặc bệnh nhân không có tuần hoàn bàng hệ (hệ thống tuần hoàn phụ)”.

Để trang bị những kiến thức chuyên môn, cập nhật kịp thời phác đồ chẩn đoán, điều trị đột quỵ, từ ngày 17 đến 22/11, tại TPHCM các Giáo sư sáng lập đến từ Hội Can thiệp Thần kinh Thế giới và những nhà chuyên môn đến từ 15 quốc gia đã họp mặt, trao đổi chuyên môn trong Khóa đào tạo Quốc tế Chẩn đoán và Điều trị bệnh mạch máu thần kinh đột quỵ- Planet Course.

Các phương pháp và y học chứng cứ về can thiệp đột quỵ cho cả người lớn và trẻ em được đưa ra bàn luận. Ngoài giải phẫu mạch máu của mặt, nền sọ và hệ thống mạch máu thần kinh trung ương, các nội dung khác bao gồm khối u nền sọ, dị dạng động mạch màng cứng và các tổn thương, chấn thương của đầu cổ và mạch máu, giải phẫu mạch máu tủy sống, điều trị túi phình động mạch, dị dạng động mạch não… là những kiến thức chính thống được chuyển tải từ Hội Can thiệp Thần kinh Thế giới.

Tại sự kiện, các chuyên gia cảnh báo, hiện đang có xu hướng chủ quan về mặt chuyên môn ở một số quốc gia trên thế giới khi cho rằng có thể kéo dài được thời gian điều trị cho người bệnh đột quỵ. Tình trạng tương tự cũng xuất hiện tại Việt Nam, một số cơ sở y tế ứng dụng công nghệ vào chẩn đoán đã khẳng định có thể kéo dài cửa sổ điều trị cho bệnh nhân đột quỵ lên 24 giờ.

Hiện chưa thể khẳng định thông tin trên có hướng tới mục đích thương mại hay không nhưng các chuyên gia cho rằng, trong can thiệp đột quỵ nếu chủ quan áp đặt thời gian vàng để can thiệp từ 6 giờ lên 12 giờ hoặc thời gian để can thiệp có thể kéo dài lên 24 giờ sau đột quỵ là không có cơ sở. Việc ứng dụng công nghệ trong chẩn đoán không quyết định hiệu quả điều trị. Thông tin có thể kéo dài thời gian can thiệp đột quỵ sẽ dẫn tới những hiểu lầm gây tâm lý chần chừ từ, chủ quan từ người bệnh và cả bác sĩ khiến bệnh nhân đối mặt với tai biến, biến chứng, di chứng nặng nề hoặc tử vong.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm