1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hiểm nguy từ dược phẩm đựng trong chai lọ dễ gây nhầm lẫn

(Dân trí) - Khảo sát bất cứ quầy thuốc nào, người tiêu dùng cũng có thể thấy loại thuốc và hóa chất rất phổ biến là cồn y tế và nước xúc miệng được đựng trong kiểu dáng chai lọ mà người dân vốn quen thuộc là vỏ chai đựng nước uống thông thường.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc, những tai nạn tại gia đình do người dân dùng vỏ chai nước lọc, vỏ chai bia… để đựng thuốc trừ sâu, dầu hỏa, hóa chất độc hại… không phải là hiếm nhưng đáng nói hơn cả là nhiều nhà sản xuất thuốc, dược phẩm cũng “hồn nhiên” vi phạm những cảnh báo của các chuyên gia chống độc trên toàn thế giới khi đựng dược phẩm, hóa chất trong những chai lọ giống như chai đựng nước uống thông thường.

“Khi chai cồn, chai nước xúc miệng này bị mất nhãn mác bên ngoài, thì nhìn trong veo không khác gì là một chai nước uống thông thường. Lúc này, hiểm họa ngộ độc là rất cao. Nhiều người nghĩ là nước cầm lên tu ừng ực, khi phát hiện ra thì nhiều khi đã theo “đà” tu mất cả nửa chai”, BS Nguyên nói.

 
Hiểm nguy từ dược phẩm đựng trong chai lọ dễ gây nhầm lẫn - 1
Chai nước xúc miệng này khi mất nhãn mác thì không khác gì
một chai nước lọc trong veo và nguy cơ uống nhầm là rất cao. (Ảnh: H.Hải)

Về nguyên tắc, cồn là hóa chất, nước xúc miệng là thuốc. Hóa chất thì tuyệt đối không được uống, còn thuốc thì phải uống có liều có lượng. Trong khi đó, thói quen uống nước của nhiều người là dốc cả chai lên tu ừng ực. Nếu uống nhầm một chai cồn y tế 90 độ, hay uống nhầm chai nước xúc miệng thì đều có khả năng gây nguy kịch cho người bệnh.

“Như nước xúc miệng, dù chỉ là một chất sát trùng nhẹ, nhưng khi uống phải, nó có thể gây ngộ độc với các biểu hiện kích thích tiêu hóa như, đau bụng, nôn; gây ngộ độc thần kinh như co giật. Uống phải quá nhiều loại nước sát trùng nhẹ này cũng có thể gây tử vong”, BS Nguyên cảnh báo.

Vì trong một chai nước súc miệng 500ml thì có 15g là acid Borid, trong khi đó, liều ngộ độc acid… này gây tử vong đã thấy ở người lớn là từ 15-20g acid Borid. Riêng ở trẻ em, chỉ uống nhầm ½ chai nước súc miệng này cũng gây ngộ độc.

Vì thế, các trung tâm chống độc toàn thế giới, các chuyên gia trong lĩnh vực chống độc đều khuyến cáo người dân, nhà sản xuất không dùng bất cứ vật dụng nào có hình dáng giống với các vật dụng đựng thực phẩm quen thuộc để đựng hóa chất, thuốc men. Những đồ vật, hóa chất không nên có hình thức giống loại đựng thực phẩm để tránh những nhầm lẫn có thể để lại những hậu quả đáng tiếc, thậm chí phải trả giá bằng cả tính mạng.

Hồng Hải