Hiểm họa từ xe tập đi
Mỗi năm Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM, tiếp nhận 12-15 trường hợp trẻ bị tai nạn từ xe tập đi, chủ yếu ở trẻ 6-12 tháng tuổi. Thương tích thường gặp là chấn thương tay, sọ não, bỏng hoặc đa chấn thương.
Lúc 4h40, ngày 11/7, Khoa Phỏng Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận bệnh nhi Đ.Q.T.T. mới 8 tháng tuổi, đến từ BV Đăk Lăk trong tình trạng bỏng nặng ở vùng mặt và hai tay. Tại đây, bác sĩ đã chẩn đoán em bị bỏng độ 2 với tỷ lệ 4%. Đây là một trong những trường hợp nhập viện do tai nạn từ xe tập đi được ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Theo lời chị H.T.C, mẹ của T, do vừa trông con vừa làm việc nên hằng ngày chị cho T vào xe đẩy. Chị nghĩ rằng bỏ bé trong xe thì bé không bị té ngã nên không cần nhờ ai trông chừng.
Như thường lệ, khoảng 10h30 ngày 10/7, chị từ ngoài rẫy về nhà xem con mình thế nào thì thấy con đang nằm dưới bếp không biết từ bao giờ, mặt úp vào lò lửa đang cháy. Khi bế T lên, khuôn mặt bé đã cháy đen, hai mắt dính lại và không thể cất được tiếng khóc.
Bác sĩ Nguyễn Bảo Tường, Trưởng Khoa Bỏng Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết hầu hết trẻ bị bỏng do ngã từ xe tập đi đều bị bỏng ở vùng mặt và tay. Đối với Tùng, tuy chỉ bỏng 4%, nhưng vùng mặt là phần quan trọng của trẻ sơ sinh.
Trước đó một tháng, Bệnh viện cũng tiếp nhận một bé gái bỏng toàn thân do đi xe tập va vào bàn có đặt nồi nước sôi. Bệnh nhi này đã tử vong vì diện tích bỏng quá lớn. Bác sĩ Tường cho biết, với cùng một mức độ bỏng như người lớn, trẻ em dễ tử vong hơn vì da quá mỏng.
Đầu năm 2005, Bệnh viện cũng tiếp nhận một bé gái 10 tháng tuổi, ngụ tại quận 5, TPHCM, nhập viện do xe đẩy bị rơi từ trên lầu. Mặc dù được cứu chữa tận tình, em cũng không qua khỏi vì chấn thương sọ não quá nặng.
Hiện nay, bệnh nhi T đang chờ ghép da, theo bác sĩ Tường đây là phương pháp điều trị bắt buộc vì để lâu bé sẽ bị nhiễm trùng huyết. Việc ghép da trên trẻ sơ sinh rất khó khăn vì da rất mỏng và diện tích da để ghép không nhiều. Bên cạnh đó, trẻ phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật trong suốt thời gian từ nhỏ đến lớn để chỉnh hình khuôn mặt, giảm bớt những di chứng do sẹo bỏng để lại.
Bác sĩ Tường cho biết, đổ xe đẩy là một trong những tai nạn sinh hoạt khá phổ biến ở trẻ em, không ít trẻ bị chấn thương sọ não tuy được cứu sống nhưng phải sống đời sống thực vật, mất tri giác và vận động.
Bác sĩ Lê Hữu Khánh, Khoa Ngoại - Chỉnh hình Bệnh viện Nhi đồng 1, nhận định: Ngoài tác hại gây ra tai nạn, xe đẩy cũng có thể khiến trẻ bị chân vòng kiềng nếu được ngồi xe tập đi quá sớm. Thông thường đến 9 tháng tuổi trẻ biết đứng chựng và 12 tháng biết đi.
Nếu trẻ được cho ngồi xe trước 9 tháng, khi đó trẻ chưa biết đứng nhưng theo phản xạ sẽ tự đặt chân xuống nền nhà và đẩy xe đi. Đây là điều không tốt vì trẻ sẽ đi không vững, xương chưa đủ cứng để chịu lực, bước đi sẽ làm cong chân. Nếu không ngồi xe, khi đủ tuổi trẻ vẫn có thể tự đứng dậy và tập đi được.
Theo Người Lao Động