1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hiểm họa bệnh tật rình rập trẻ thừa cân béo phì

(Dân trí) - Bất chấp những cảnh báo của các chuyên gia y tế, nhóm trẻ em bị thừa cân, béo phì tiếp tục gia tăng ở mức báo động. Gánh nặng của các loại bệnh tật không lây nhiễm gây ra cái chết cho người thừa cân béo phì đang rình rập thế hệ trẻ ở tương lai.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, chỉ trong 40 năm qua, số người bị thừa cân béo phì đã tăng 4,5 lần. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, sau khi thoát khỏi chiến tranh và sự nghèo đói, cuộc sống vật chất được đáp ứng tốt hơn thì tỷ lệ thừa cân béo phì cũng theo đó tăng vọt, đặc biệt là ở khu vực thành thị.

Hiểm họa bệnh tật rình rập trẻ thừa cân béo phì - 1

Bệnh nhi bị thừa cân béo phì điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1

Thống kê sơ bộ của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì tại TPHCM khoảng 50% tại Hà Nội tỷ lệ này thấp hơn nhưng cũng chiếm khoảng 41%. Thực trạng trên khiến Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các loại bệnh không lây nhiễm, chiếm 70% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong trong cộng đồng.

Theo BS Hồ Minh Nguyệt, khoa Kiểm soát Bệnh không lây nhiễm và Dinh dưỡng, Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM: “Thừa cân béo phì là tình trạng tích lũy mở bất thường hoặc vượt mức gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Nguyên nhân của tình trạng trên là do sự mất cân bằng giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu thụ. Khi năng lượng ăn vào nhiều hơn mức năng lượng tiêu thụ, cơ thể sẽ chuyển hóa và tích lũy năng lượng dư thừa dưới dạng mỡ trong các cơ quan, quá trình này lặp đi lặp lại dẫn tới tình trạng thừa cân béo phì”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên như chế độ dinh dưỡng bất hợp lý, gia tăng chế độ ăn có đậm độ năng lượng cao, giàu chất béo, gia tăng các hoạt động tĩnh tại như xem ti vi, chơi điện tử… ở trẻ em; trẻ sơ sinh có cân nặng quá cao, hay ăn vặt, thích ăn đồ ngọt, uống nước ngọt, sử dụng thức ăn nhanh, ăn nhiều vào buổi tối trước khi đi ngủ. Ngoài ra những yếu tố di truyền từ cha mẹ bị thừa cân béo phì, trẻ ngủ ít cũng gây các yếu tố nguy cơ dẫn đến thừa cân béo phì ở trẻ.

Hiểm họa bệnh tật rình rập trẻ thừa cân béo phì - 2

Ăn uống khoa học, tăng cường vận động sẽ giúp trẻ tránh được thừa cân béo phì, bảo vệ sức khỏe

Hậu quả của tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý khiến các bé thiếu tự tin mà còn gia tăng nguy cơ mắc bệnh, tàn tật, tử vong ở tuổi trưởng thành do những bệnh không lây nhiễm. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra, trẻ em bị thừa cân béo phì có nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm cao hơn như bệnh lý tim mạch (tăng huyết áp, đột quỵ); đề kháng insulin, tiểu đường, rối loạn cơ xương khớp (viêm xương khớp); nguy cơ cao mắc phải các loại bệnh ung thư như: nội mạc tử cung, vú, buồng trứng, tuyến tiền liệt, gan, túi mật, thận, đại trạng…

Vì những hiểm họa trên, thừa cân béo phì ở trẻ em được xem là vấn đề sức khỏe cộng đồng của toàn cầu, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sống mà còn tác động không nhỏ tới sự phát triển kinh tế, xã hội. Mặc dù các chuyên gia y tế đã liên tục cảnh báo về sự nguy hiểm của tình trạng thừa cân, béo phì trẻ sẽ phải đối mặt nhưng phụ huynh vẫn chưa nâng cao nhận thức trong việc hỗ trợ, chăm sóc, giúp trẻ thoát khỏi các yếu tố nguy cơ.

Các bậc cha mẹ có thể giúp con trẻ thoát khỏi nguy cơ thừa cân béo phì thông qua chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý bằng các giải pháp đơn giản: cho trẻ bú mẹ ngay sau khi chào đời, cho trẻ ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm đảm bảo đủ 4 nhóm: chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng; phối hợp thức ăn có nguồn đạm động vật và thực vật, nên ăn tôm, cua, cá và đậu đỗ; ăn phối hợp mỡ động vật và thực vật hợp lý, nên ăn vừng, lạc (mè, đậu phộng); nên sử dụng muối iot, không ăn mặn; cần ăn rau quả hàng ngày; uống đủ nước sạch hàng ngày; trẻ sau 6 tháng và người trưởng thành nên sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa phù hợp với từng lứa tuổi. Tăng cường hoạt động thể lực, duy trì cân nặng hợp lý, hạn chế bia rượu, không hút thuốc lá sử dụng các chất kích thích; hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, nước ngọt, đồ ăn ngọt.

Vân Sơn