Hiếm gặp bé 2 tuổi bí tiểu do sỏi niệu gây bít tắc

(Dân trí) - Nhập viện trong tình trạng bí tiểu cấp, qua chẩn đoán hình ảnh bác sĩ phát hiện bệnh nhi bị sỏi niệu gây bít tắc đường ra của nước tiểu. Bệnh lý hiếm gặp ở trẻ được bác sĩ can thiệp bằng phương pháp nội soi, dùng tia laser tán sỏi.

Bệnh nhi mắc chứng bệnh trên là bé H.N. (2 tuổi, ngụ tại Đồng Nai). Thông tin từ gia đình cho biết, trước khi nhập viện cháu có biểu hiện tiểu lắt nhắt, tiểu đau, có lúc tiểu máu. Bé được thăm khám và điều trị tại bệnh viện địa phương với chẩn đoán viêm bang quang, viêm đường tiết niệu nhưng việc điều trị không mang lại kết quả nên phải chuyển lên Nhi Đồng 2.

Bệnh nhi được can thiệp bằng phương pháp nội soi tán sỏi
Bệnh nhi được can thiệp bằng phương pháp nội soi tán sỏi

Tại đây, qua thăm khám, chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ phát hiện bé bị sỏi niệu (kích thước của viên sỏi khoảng 10x3mm) ở vị trí cổ bàng quang gây bít tắc đường ra của nước tiểu. Viên sỏi bị kẹt lại ở cổ bàng quang, xuống niệu đạo gây tình trạng bí tiểu cấp, tiểu máu do xây xát niêm mạc niệu đạo.

Bác sĩ đã tiến hành nội soi, tán sỏi bằng Laser cho bé. Sau khi được can thiệp bệnh nhi hết đau, tiểu bình thường. BS.Phạm Ngọc Thạch, Phó khoa Niệu cho biết: “Sỏi niệu ở trẻ em là 1 bệnh khá hiếm, nhất là trẻ nhỏ, tỷ lệ trẻ mắc bệnh này khoảng 1/1000 đến 1/7000. Ngoài nguyên nhân di truyền, sỏi thận ở trẻ hình thành là do chế độ ăn nhiều thức ăn nhanh có quá nhiều muối, ít uống nước, ít vận động... Ngoài ra, các trẻ thường bị nhiễm trùng đường tiểu, có bất thường những chỗ hẹp tự nhiên của đường tiết niệu hay những bệnh lý gây cản trở sự tống xuất nước tiểu như bàng quang thần kinh cũng là điều kiện thuận lợi để tạo sỏi”.

Vân Sơn