Hết vắc xin ngừa dại, người bị chó mèo cắn phải làm gì?
(Dân trí) - Cả 2 loại vắc xin ngừa dại do Pháp và Ấn Độ sản xuất hiện đã hết hàng, nguy cơ nhiễm bệnh, tử vong vì bị chó mèo cắn đang đe dọa cộng động. Trong bối cảnh hết vắc xin, người dân cần làm gì nếu chẳng may bị chó mèo cắn?
Bệnh dại là bệnh do vi rút dại (rabies virus) gây nên. Đây là một bệnh truyền nhiễm virus cấp tính của hệ thần kinh trung ương, có thể gặp ở tất cả động vật có vú. Bệnh lây truyền chủ yếu do các chất tiết bị nhiễm, thường do vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Bệnh dại lây truyền từ vật nuôi sang vật nuôi, từ vật nuôi sang người nhưng rất hiếm trường hợp lây từ người sang người.
Bệnh dại hiện đã có vắc xin chủng ngừa với 2 hình thức là chủng ngừa chủ động trên vật nuôi và chủng ngừa trên người trong những trường hợp không may bị chó mèo mắc bệnh dại, nghi mắc bệnh dại cắn. Tại Việt Nam hiện có loại vắc xin phòng bệnh dại được cấp giấy đăng ký lưu hành và nhập khẩu vào Việt Nam gồm: Verorab (do Pháp sản xuất) và Abhayrab (do Ấn Độ sản xuất).
Sau khi báo Dân trí đăng thông tin về tình trạng “cháy hàng” khan hiếm vắc xin ngừa dại, ngày 6/4 đại diện Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) đã khẳng vắc xin ngừa dại vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cho các đơn vị tiêm chủng. Tuy nhiên, thực tế xác minh cho thấy, việc cung ứng vắc xin ngừa dại hiện tại đang “có vấn đề”.
Ngày 6/4, trao đổi với phóng viên, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM khẳng định: “Vắc xin ngừa dại do Pháp sản xuất đã không còn hàng cách đây nửa năm, bệnh viện đã sử dụng vắc xin của Ấn Độ để đáp ứng nhu cầu tiêm ngừa của cộng đồng. Tuy nhiên, sau thời gian dài phải “gánh” toàn bộ số lượng bệnh nhân đến chủng ngừa hiện vắc xin của Ấn Độ cũng đã hết hàng”.
Ngày 7/4, thông qua tổng đài tư vấn tiêm ngừa tại TPHCM (số 0281080) tổng đài viên xác nhận, không tìm thấy vắc xin Verorab tại các cơ sở tiêm chủng, loại vắc xin Abhayrab hiện đang có tại Viện Pasteur, ngoài ra Viện cũng đang cung ứng loại huyết thanh ngừa dại SAR do Việt Nam sản xuất. Thực tế trên cho thấy, tình trạng “cháy hàng” hết vắc xin ngừa dại tại các cơ sở tiêm chủng đang diễn ra tại TPHCM.
Trả lời cho câu hỏi của phóng viên: “nếu bị chó mèo cắn mà không có vắc xin chích ngừa người bệnh cần phải làm gì?” TS.BS Nguyễn Văn Vinh Châu cho hay: “Trên lý thuyết nếu chẳng may bị chó mèo cắn thì nên chích ngừa càng sớm càng tốt, khẩn trương chích trong vòng 24 giờ sau khi bị cắn để ngăn chặn vi rút dại xâm nhập tế bào thần kinh. Nếu bị chó mèo mắc bệnh dại cắn mà không được chích ngừa thì tỷ lệ tử vong là 100%, rất hiếm trường hợp bệnh dại có thể sống được”.
Trong bối cảnh khan hiếm hoặc hết vắn xin chủng ngừa dại trên người, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng cần chủ động phòng tránh không để bị chó mèo tấn công; không để trẻ em đến gần hoặc đùa giỡn với chó mèo; chủ động chích ngừa dại cho vật nuôi trong gia đình; hạn chế nuôi chó mèo, nếu nuôi thì không nên thả rông mà cần nhốt, xích cẩn thận, rọ mõm khi cho chó ra đường.
Bệnh dại còn lưu hành trên diện rộng
Thống kê sơ bộ của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chỉ ra, trong năm 2017 trên cả nước có 63 trường hợp tử vong do bệnh dại, số ca bện rải rác ở 31 tỉnh thành phố. Dù ngành y tế, ngành nông nghiệp cụ thể là chi cục Thú y tại các địa phương đã nỗ lực phòng chống bằng nhiều giải pháp tuyên truyền, chích ngừa trên vật nuôi, tuy nhiên thực tế cho thấy bệnh dại đang lưu hành trên diện rộng, nguy cơ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, sinh mạng của cộng đồng.
Trong năm 2017, khoảng 40.000 người trên cả nước đã phải chích ngừa bệnh dại sau khi bị chó mèo tấn công. Trong đó, khu vực các tỉnh thành phía Nam trở thành “điểm nóng” khi có số người tiêm phòng dại chiếm tới 64% tổng số bệnh nhân chích ngừa trên cả nước.
Bệnh dại lưu hành trong cộng đồng là do thú nuôi bao gồm chó và mèo không được chích ngừa. Nguyên nhân gây khó khăn cho việc kiểm soát bệnh dại được ngành Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nhận định là do người dân chưa tự giác khai báo về số lượng vật nuôi với chính quyền địa phương, mặt khác đơn vị trực tiếp quản lý về vấn đề này tại chính quyền cơ sở chưa làm hết trách nhiệm nên việc thống kê, chích ngừa hàng năm không đủ độ bao phủ để mang lại khả năng phòng bệnh.
Bên cạnh đó, xu hướng các gia đình có nhu cầu nuôi cho mèo làm “thú cưng” hoặc trông giữ tài sản đang ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, ý thức của cộng đồng đặc biệt là người dân ở khu vực nông thôn còn rất hạn chế trong việc quản lý vật nuôi.
Ngoài việc ít quan tâm đến chích ngừa thì chó mèo thường được thả rông, không đeo rọ mõm khi ra đường… khiến số người bị chó mèo cắn đang có xu hướng tăng cao.
Vân Sơn