1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hết màng lọc, bệnh nhân nặng ở Bệnh viện Chợ Rẫy không thể thay huyết tương

Hoàng Lê

(Dân trí) - Không thể thay huyết tương, bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Chợ Rẫy phải nằm chờ đợi nhiều ngày, trong khi bác sĩ cũng "lực bất tòng tâm" vì không biết khi nào mới mua được màng lọc và dây dẫn.

Những ngày qua, phóng viên Dân trí nhận được phản ánh về việc, một số bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) không được thay huyết tương, khiến quá trình điều trị bị ảnh hưởng.

Điển hình là trường hợp của chị Thủy (31 tuổi, tên đã thay đổi), được gia đình đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 1/11 trong tình trạng yếu chi trên, hạ natri máu, tăng huyết áp, rối loạn lo âu, táo bón. Bệnh nhân đã được bệnh viện điều trị trước đó chẩn đoán bị rối loạn tuần hoàn não sau có hồi phục.

Sau khi tiếp nhận và thăm khám, kiểm tra, các bác sĩ khoa Nội thần kinh chẩn đoán bệnh nhân mắc hội chứng Guillain - Barre (viêm đa dây thần kinh) nặng, đã yếu liệt và khó thở.

Hết màng lọc, bệnh nhân nặng ở Bệnh viện Chợ Rẫy không thể thay huyết tương - 1

Nữ bệnh nhân được chẩn đoán bị viêm đa dây thần kinh, đã yếu liệt chi (Ảnh: Hoàng Lê).

Mẹ bệnh nhân chia sẻ, ngay sau khi nhập viện, con bà được đưa vào phòng hồi sức để thở máy. Sau đó, các bác sĩ cho bệnh nhân thay huyết tương để điều trị bệnh viêm đa dây thần kinh. Tuy nhiên mới thực hiện một lần, gia đình được thông báo phải tạm dừng vì đã hết dây và màng lọc thay huyết tương.

"Bác sĩ nói con tôi phải thay huyết tương 5 lần, nhưng mới được một lần đã phải dừng lại. Đến nay, cháu ngày càng liệt nặng, đàm kéo lên rất nhiều, đã nằm thở máy hơn 10 ngày, không biết phải chờ đến bao giờ. Tôi chỉ mong cháu sớm được cứu" - mẹ bệnh nhân mong mỏi.

Trao đổi với phóng viên, bác sĩ điều trị cho chị Thủy tại khoa Nội thần kinh xác nhận, bệnh nhân hiện phải dừng việc thay huyết tương. Theo bác sĩ này, trước đó khoa Thận nhân tạo (nơi hỗ trợ việc thay huyết tương, lọc máu) đã thông báo hết dụng cụ. Do đó, không chỉ bệnh nhân này mà các trường hợp khác cũng phải dừng lại.

"Bệnh nhân hiện bị liệt nhưng vẫn tỉnh. Thay huyết tương là phương pháp hỗ trợ thêm, còn phương pháp chính là điều trị miễn dịch, thở máy và vật lý trị liệu. Đây là trường hợp nặng, không thể khẳng định có thể hồi phục sau khi thay huyết tương, và cũng không thể nói trước được khi nào sẽ xuất viện" - bác sĩ trên nói.

Cũng theo bác sĩ điều trị, vì bệnh nhân đang thở máy nên không đủ điều kiện chuyển viện. Nếu người nhà muốn đưa bệnh nhân sang bệnh viện khác để thay huyết tương, có thể làm thủ tục xin xuất viện theo yêu cầu.

Hết màng lọc, bệnh nhân nặng ở Bệnh viện Chợ Rẫy không thể thay huyết tương - 2

Bác sĩ tại khoa Nội thần kinh viết giấy chứng nhận nằm viện để gia đình tìm nơi tiếp nhận thay huyết tương cho bệnh nhân theo yêu cầu (Ảnh: CTV).

Đại diện khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, dụng cụ để thay huyết tương (bao gồm màng lọc, dây dẫn) đã hết khoảng 1-2 tuần nay. Khoa đã đề xuất bệnh viện mua nhưng vẫn chưa được, vì không có cơ chế.

Theo vị này, trước đây người bị viêm đa dây thần kinh được điều trị bằng thuốc globulin miễn dịch. Tuy nhiên thời gian qua khi hết thuốc, bệnh nhân phải chuyển sang điều trị bằng phương pháp thay huyết tương. Điều này góp phần làm số ca thay huyết tương đưa vào khoa Thận nhân tạo tăng cao, có ngày lên đến 10 trường hợp.

Nhưng nay, việc thay huyết tương lại không thể thực hiện, khiến việc điều trị gặp khó, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân.

"Bây giờ vừa hết thuốc, vừa không có dây thay huyết tương. Theo tôi được biết, khoa Nội thần kinh đang xin đấu thầu để mua thêm thuốc. Chúng tôi cũng xin mua dụng cụ để sớm có thể điều trị cho bệnh nhân" - nguồn tin nói.

Tại buổi tiếp xúc cử tri quận 5, 8, 11 (TPHCM) sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, diễn ra ngày 17/11, đại biểu Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, Phó Bí thư Đảng ủy khối cơ sở Bộ Y tế, thừa nhận, việc thiếu thuốc, trang thiết bị y tế là vấn đề nóng hiện nay.

Theo ông Thức, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là nguồn cung ứng bị đứt gãy do tình hình dịch Covid-19, những biến động của thế giới.

"Vừa qua, Bệnh viện Chợ Rẫy mở gói thầu đối với 300 mặt hàng thuốc thì chỉ 125 mặt hàng có đơn vị dự thầu. Vấn đề nguồn cung ứng rất quan trọng", TS.BS Nguyễn Tri Thức dẫn chứng.

Trước đó vào tháng 10, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cũng từng chia sẻ tại Quốc hội, đã 8 tháng qua nhưng vẫn chưa có thay đổi nào về chính sách, để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. 

Chẳng hạn, các máy cao cấp như máy xạ trị, CT-scan phải mua của các hãng độc quyền. Vì thế, khi máy hỏng cần thay gì thì buộc phải mua đúng loại của hãng đó mới sử dụng được. Tuy nhiên, nếu ghi rõ là mua bóng đèn của hãng cụ thể, thì sẽ bị coi là vi phạm chỉ định thầu. Chính vì vậy, máy móc cao cấp ở nhiều bệnh viện hư hỏng rất khó sửa chữa.