1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hậu vụ “nhân bản” phiếu xét nghiệm: Đủ “chiêu” móc túi quỹ bảo hiểm y tế

(Dân trí) - Sự việc “nhân bản” kết quả xét nghiệm tại BV Đa khoa Hoài Đức khiến dư luận bất bình. Thế nhưng, thực tế trong công tác tại bệnh viện, hiện tượng “nhân bản” này không phải là hiếm gặp, chưa kể đến tình trạng lạm dụng xét nghiệm kỹ thuật cao, kê khống thuốc…

Đau họng lại được chụp cộng hưởng từ

Đi khám sức khỏe tổng thể tại cơ quan, kết quả siêu âm thấy hình ảnh giảm âm trên gan, nghi u máu, anh N.N.T được bác sĩ chỉ định chụp CT ổ bụng với chi phí 1 triệu 7 trăm ngàn đồng. Kết quả CT cho thấy, anh bị u máu trên nền đảo gan lành tính.

“Cái lạ nhất là khi mang kết quả này tới chuyên gia đọc, vị chuyên gia còn phải thốt lên, cái cần làm thì không làm, cái không cần làm lại làm. Theo vị chuyên gia đó, những xét nghiệm căn bản về chức năng gan (như men gan, xét nghiệm viêm gan B, viêm gan C… ) tôi chưa được làm, cái hình ảnh CT gan chẳng có giá trị để chẩn bệnh”, anh T nói.

Theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách Bảo hiểm Y tế (BHXHVN), tình trạng lạm dụng kỹ thuật cao, chỉ định cho người bệnh như trường hợp trên không phải là cá biệt, ngược lại, nó diễn ra rất phổ biến.
 
Hậu vụ “nhân bản” phiếu xét nghiệm: Đủ “chiêu” móc túi quỹ bảo hiểm y tế
 

Cơ quan BHXH đã đi kiểm tra và phát hiện, tại nhiều địa phương chi phí xét nghiệm đang có xu hướng tăng. Có nơi tổng chi phí xét nghiệm trước đó 20 - 25% giờ tăng lên 30 - 40%). Những xét nghiệm này để xác định có hợp lý không là cả vấn đề phức tạp.

“Có tỉnh như Đồng Nai, sử dụng MRI (cộng hưởng từ) phổ thông như chụp X-quang thông thường. Nhiều người bệnh chỉ với triệu chứng đau bụng, đau họng thì sau khi khám lâm sàng cũng được bác sĩ chỉ định chụp MRI, trong khi đó, đây là một kỹ thuật cao, với mức tiền BHYT thanh toán lên đến 2,5 triệu/lần”, ông Sơn dẫn chứng.

Ông Sơn cũng bày tỏ, ngay tại BV Đa khoa Hoài Đức, bệnh nhân nào vào viện cũng được chỉ định xét nghiệm sinh hóa máu là quá lạm dụng xét nghiệm. Bởi sinh hóa máu không được coi là xét nghiệm thông thường, thường quy. Bây giờ tình trạng lạm dụng biểu hiện tinh vi hơn.

“Vụ việc tại BV Đa khoa Hoài Đức là quá liều lĩnh. Bởi từ việc việc chỉ định xét nghiệm, xét nghiệm, thống kê, tập hợp nó phải có quy trình rất chặt chẽ, xuất phát từ chỉ định của bác sĩ điều trị, chuyển xuống phòng xét nghiệm, thực hiện kỹ thuật đó, chuyển kết quả ra, tổng hợp thống kê để thanh toán với BHXH. Tuy nhiên, ở BV Hoài Đức chỉ có hai nhân viên mới hợp đồng vào làm, kê một loạt sổ sách, chỉ số xét nghiệm giống hệt nhau, ở các chỉ số ở các lứa tuổi khác nhau, đó là một sự liều lĩnh, tắc trách về mặt chuyên môn. Nếu bác sĩ căn cứ vào kết quả xét nghiệm, chỉ số sinh hóa đó mà chỉ định điều trị cho bệnh nhân (nếu bệnh nhân là có thực) thì hệ quả với bệnh nhân là khôn lường”, ông Sơn nói.

Tình trạng “nhân” bản này cũng không phải là cá biệt. Cơ quan BHXH cũng phát hiện và xử lý tình trạng xét nghiệm khống ở một số bệnh viện.

“Ví như để làm được 1.000 xét nghiệm cần phải sử dụng 500gram hóa chất A, nhưng khi kiểm tra, phát hiện BV chỉ nhập 500 gram, nhưng số xét nghiệm đề nghị thanh toán lên đến 1.500 xét nghiệm. Như vậy, có căn cứ để khẳng định có lượng hồ sơ khống không được làm mà vẫn được thanh toán với BHXH”, ông Sơn cho biết.

Kéo dài ngày điều trị để hưởng lợi

Ông Sơn cho biết thêm, kết quả kiểm tra tại 7 địa phương gồm Bắc Ninh, Hải Dương, Khánh Hòa, Đồng Nai, Quảng Nam, Thái Bình, Kon Tum do có chi phí tăng bất thường (tăng trên 35%) khi áp dụng giá dịch vụ y tế mới cho thấy có nhiều hành vi rút ruột BHYT.

“Ngày giường điều trị tại các địa phương này tăng lên, thậm chí có tỉnh tăng lên bất thường. Bình thường ngày điều trị nội trú theo thống kê là khoảng 7,5 ngày/đợt, nhưng khi giá dịch vụ mới được áp dụng, tiềng giường tăng gấp nhiều lần, từ 18.000 lên 70.000 (có cái là 150.000) thì việc kéo dài điều trị để thanh toán tiền giường là phổ biến. Chúng tôi đã phá hiện tình trạng, bệnh viện cho bệnh nhân ra viện từ chiều thứ 6 nhưng lập phiếu ra viện vào ngày thứ 2 (mất 3 ngày)”, ông Sơn nói.

Việc phát hiện những hành vi “móc túi” quỹ BHYT rất khó khăn do tình trạng, quá tải, số lượng giám định viên mỏng. Tổng số hồ sơ thực chất được giám định hàng năm chỉ đạt 50 - 80%.

Theo báo cáo kết quả kiểm tra hoạt động cận lâm sàng trong năm 2012 của Bộ Y tế cho thấy các BV thực hiện trên 170 triệu xét nghiệm sinh hóa (tăng 20% so với năm 2011, trong đó khu vực ngoại trú tăng gần 22%), 116 triệu lượt xét nghiệm huyết học (tăng 13%), 18,7 triệu xét nghiệm vi sinh (tăng 10%). Ông Khuê cho biết số lượng chẩn đoán hình ảnh tại các BV cũng tăng mạnh. Trong đó, số CT-Scan và MRI được thực hiện khoảng 1,8 triệu lượt/năm (tăng 17,3% so với 2011).

“Vụ việc ở BV Đa khoa Hoài Đức không phải là cá biệt. Tình trạng lạm dụng những xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, khá phổ biến và ngày càng tinh vi hơn, mang tính trục lợi nhiều hơn. Không chỉ là chỉ định bất hợp lý, chỉ định quá mức nữa mà là kê khống thuốc, làm phiếu xét nghiệm khống. Không chỉ quỹ BHYT phải gánh chịu những chi phí bất hợp lý này, mà bản thân người bệnh cũng bị “móc túi” vì những chỉ định xét nghiệm, chiếu chụp không liên quan đến bệnh lý”, ông Sơn nói.

Hồng Hải