1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hầu hết trẻ em mắc Covid-19 không có các triệu chứng sốt

Cẩm Tú

(Dân trí) - Nghiên cứu trên 12.000 trẻ bị nhiễm virus đã xét nghiệm xác nhận cho thấy đại đa số các em - hơn 81% - không bị sốt mặc dù đã nhiễm SARS-CoV-2.

Hầu hết trẻ em mắc Covid-19 không có các triệu chứng sốt - 1

Học sinh mẫu giáo được đo nhiệt độ khi trở lại trường học ở Riverside, Mỹ. Nghiên cứu đặt câu hỏi về giá trị của việc sàng lọc này, vì hầu hết trẻ bị nhiễm SARS-CoV-2 không bị sốt.

Nghiên cứu trên 12.000 trẻ bị nhiễm virus đã xét nghiệm xác nhận cho thấy đại đa số các em - hơn 81% - không bị sốt mặc dù đã nhiễm.

Hơn nữa, gần 3/4 số trẻ bị nhiễm này không có "bất kỳ triệu chứng Covid-19 điển hình nào" - sốt, ho hoặc khó thở.

Một mặt, tỷ lệ triệu chứng thấp ở những người bị nhiễm thực sự là một điều may mắn. Nhưng mặt khác, nó cũng có nghĩa là việc xác định những trẻ có thể làm lây lan virus sẽ khó khăn hơn.

"Các công cụ và quy trình kiểm tra định kỳ như đo thân nhiệt hàng ngày ở trường có thể kém hiệu quả hơn," các tác giả nghiên cứu viết. Thay vào đó, các phương pháp sàng lọc "sáng tạo" và "xét nghiệm thường xuyên" sẽ cần thiết để xác định những người có khả năng lây lan bệnh.

Các ước tính về số trẻ em ở Mỹ bị nhiễm virus rất khác nhau. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) chốt con số này ở mức xấp xỉ 3,2 triệu kể từ khi đại dịch bắt đầu, trong khi Hội Nhi khoa Mỹ cho biết con số là hơn 3,8 triệu và dự án COVKID đưa con số này lên trên 4,5 triệu.

Dù là con số nào, trẻ em luôn chiếm số ít trong các trường hợp mắc Covid-19. Mặc dù người Mỹ dưới 18 tuổi chiếm 19,3% dân số, nhưng họ chỉ chiếm 12,3% số ca nhiễm và chiếm chưa đến 0,2% số ca tử vong do Covid-19 của đất nước này.

Những con số đó phản ánh thực tế rằng Covid-19 ở trẻ em khác với người lớn. Nghiên cứu mới ủng hộ nhận định này.

Số liệu từ hồ sơ y tế điện tử của 33 tổ chức y tế trên khắp nước Mỹ tham gia vào Mạng lưới nghiên cứu TriNetX. Hồ sơ bao gồm 12.306 trường hợp Covid-19 đã được xét nghiệm xác nhận ở bệnh nhân dưới 18 tuổi trong thời gian từ 1/4 - 31/10/2020.

Có lẽ phát hiện nổi bật nhất là rất ít bệnh nhân trong số này có các triệu chứng điển hình liên quan đến Covid-19.

Mặc dù chủ yếu được coi là một bệnh hô hấp, chỉ 16,5% bệnh nhi có vấn đề về hô hấp, chẳng hạn như khó thở, ho hoặc thở khò khè.

Ở người lớn, các triệu chứng như sốt, đau cơ và khớp, và cảm giác khó chịu chung cũng liên quan đến Covid-19, cũng như mất khứu giác hoặc vị giác. Tuy nhiên, chỉ có 18,8% trẻ em có ít nhất một trong những triệu chứng này.

Buồn nôn, nôn, tiêu chảy và các vấn đề tiêu hóa khác chiếm 13,9% số bệnh nhân trẻ tuổi, trong khi phát ban da, viêm kết mạc và các triệu chứng da liễu khác ảnh hưởng 8,1%. Các triệu chứng thần kinh như đau đầu và co giật chỉ xảy ra ở 4,8% trẻ em.

Phần lớn các triệu chứng phổ biến hơn trong số 5,5% bệnh nhân cần điều trị tại bệnh viện hơn so với 94,5% không cần điều trị. Hai trường hợp ngoại lệ là đau đầu và rối loạn khứu giác hoặc vị giác.

Trong số bệnh nhân nhập viện, 17,6% (118 em) cần được chăm sóc tích cực và 4,1% (38 em) phải thở máy. Không rõ chính xác có bao nhiêu trẻ tử vong, nhưng con số này không quá 10 (Dữ liệu về số tử vong không được công bố vì lý do riêng tư, các tác giả nghiên cứu viết.)

Có một số điểm chung của Covid-19 ở trẻ em với người lớn.

So với trẻ em da trắng trong nghiên cứu, trẻ em da đen có nguy cơ nhập viện cao hơn khoảng gấp đôi, và nguy cơ đối với trẻ em gốc Mỹ Latinh cao hơn khoảng 31%. Tỷ lệ cần được chăm sóc tích cực hoặc hỗ trợ thở máy là như nhau đối với cả ba nhóm.

Chưa rõ lý do của sự chênh lệch này, nhưng các tác giả phỏng đoán rằng các yếu tố kinh tế xã hội đã khiến trẻ em da đen và gốc Mỹ Latin tiếp xúc gián tiếp với virus nhiều hơn - có lẽ bởi vì trẻ có nhiều khả năng sống với một người lao động cần thiết, hoặc trẻ không có đủ không gian ở nhà để cách ly hoàn toàn với thành viên trong gia đình bị bệnh.

Bất kể chủng tộc hay sắc tộc, hầu hết trẻ em trong nghiên cứu không phát triển các triệu chứng có thể khiến người khác biết rõ tình trạng nhiễm virus của trẻ. Điều đó có nghĩa là người lớn sẽ cần phải suy nghĩ lại các chiến lược sàng lọc nếu muốn phát hiện những trẻ bị nhiễm trước khi chúng lây lan virus cho người khác.

Các tác giả nghiên cứu viết: "Xét nghiệm ngẫu nhiên thường xuyên hơn sẽ giúp ích. Vì vậy, sẽ cần tập trung xét nghiệm sàng lọc nhiều hơn cho trẻ em từ các hộ gia đình có nguy cơ cao hoặc trẻ mắc các bệnh lý khiến chúng có nguy cơ cao mắc bệnh nặng hơn nếu bị nhiễm bệnh.

Việc này sẽ phức tạp hơn việc hướng nhiệt kế vào trán trẻ hoặc hỏi xem trẻ có bị ho không, nhưng bạn vẫn phải làm.

Việc mở cửa trở lại các trường học nhấn mạnh tầm quan trọng của hiểu biết về dịch tễ học Covid-19 ở trẻ em".