Hầu hết trẻ bị điếc bẩm sinh phải sống trong câm lặng
(Dân trí) - Rất ít trẻ bị nghe kém bẩm sinh được tiếp cận thiết bị hỗ trợ khả năng nghe nói, hầu hết đang phải sống cuộc đời câm lặng. Chi phí quá cao lại sự thiếu quan tâm hỗ trợ của ngành y và phụ huynh khiến trẻ mất đi cơ hội trở thành người bình thường.
1.000 trẻ có 3 trẻ bị nghe kém
Nghe kém bẩm sinh là tàn tật đứng hàng đầu trong số những dị tật trẻ mắc phải. Nghe kém bẩm sinh tiến triển nếu không được can thiệp sớm sẽ khiến trẻ câm điếc hoàn toàn. Dẫn nguồn từ thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, BS Đoàn Tấn Tài, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cho hay: Ước tính trung bình 100 người thì có 5 người nghe kém bao gồm lão thính ở người già (nghe kém sau ngôn ngữ) và nghe kém ở trẻ em, trong đó số trẻ mắc dị tật này chiếm khoảng 9%.
Việt Nam là quốc gia nằm ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có tỷ lệ nghe kém cao nhất thế giới. Một khảo sát trên 10.000 trẻ được sinh ra cho thấy, nghe kém chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại dị tật thường gặp ở trẻ (sứt môi, hở vòm, hội chứng down, dị tật chi...) cứ 1.000 trẻ thì có 3 trẻ bị nghe kém.
Nếu được phát hiện sớm can thiệp trước 6 tháng, trẻ sẽ cải thiện kỹ năng nghe nói, đọc hiểu. Trước 15 tuổi, trẻ được hỗ trợ điều trị sẽ phát triển kỹ năng đọc hiểu hoàn chỉnh. Trong khi đó, trẻ không được can thiệp dẫn tới điếc sâu thì sẽ mất khả năng nghe nói, vì thế trẻ không thể tham gia học tập, hòa nhập cộng đồng.
Tầm soát sớm sẽ mang đến cơ hội phục hồi chức năng cho những trẻ nghe kém. Ở các nước phát triển chương trình tầm soát nghe kém đã thực hiện cho mọi trẻ sinh ra chứ không phải dành cho trẻ có yếu tố nguy cơ (trên 97% trẻ ở Mỹ sau khi chào đời được tầm soát nghe kém). Tuy nhiên, tại Việt Nam đến nay chương trình tầm soát trẻ nghe kém sau khi trẻ chào đời mới chỉ triển khai tại các bệnh viện chuyên khoa sản - nhi và các bệnh viện có chuyên khoa Tai - Mũi - Họng, ở tuyến y tế cơ sở việc tầm soát còn bị bỏ ngỏ, phải đến khi trẻ có những vấn đề về khả năng nghe, gia đình mới đưa đến những trung tâm thính lực.
Gia đình và xã hội chưa quan tâm đúng mức
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội mặc dù nghe kém là một gánh nặng tại Việt Nam, nhưng dị tật này vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Khoảng 1/3 số trẻ khuyết tật chưa bao giờ được tiếp cận điều trị, đặc biệt là nhóm trẻ ở vùng nông thôn. Nếu so sánh với nhóm trẻ khiếm thị thì 20% trường hợp khiếm thị được can thiệp bằng phương pháp đeo kính, trong khí đó trẻ khiếm thính thì chưa tới 2% có máy trợ thính để mang.
Tại Nhi Đồng 1, mỗi năm có khoảng 300 đến 400 trường hợp được chẩn đoán điếc sâu. Tuy nhiên, việc can thiệp bằng phương pháp cấy ốc tai điện tử cho những trẻ điếc sâu chưa được 5%. Nghiên cứu trên 400 bệnh nhân tại khoa Tai Mũi Họng cho thấy, độ tuổi được chẩn đoán nghe kém hiện tại là 4,5 tuổi (giai đoạn muộn trong phát triển ngôn ngữ ở trẻ) trong khi những thông tin người nhà phát hiện trẻ bị nghe kém trung bình là 2,5 tuổi. Hầu hết trẻ nghe kém (96%) được sinh ra tại cơ sở y tế, số ít sinh ra tại nhà.
BS Tấn Tài cho rằng, những trẻ nghe kém từ dưới 1 tuổi đã có những dấu hiệu để người nhà nhận biết trẻ có vấn đề về nghe. Nhưng có thể vì thiếu thông tin về hậu quả của nghe kém hoặc những người dân ở vùng nông thôn khó khăn khi tiếp cận với các chương trình tầm soát dẫn tới phát hiện trễ. Nếu chương trình tầm soát nghe kém được phổ quát trên diện rộng về tận vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa đồng thời truyền thông đến phụ huynh về những biểu hiện và hậu quả của nghe kém thì tỷ lệ trẻ nghe kém được phát hiện, can thiệp sớm sẽ cải thiện.
Trường hợp những trẻ được xác định thính lực bị ảnh hưởng nhẹ vẫn có thể giao tiếp với bên ngoài thì không cần hỗ trợ chuyên môn. Những trẻ bị nặng sẽ được sử dụng máy trợ thính (khuếch đại âm thanh), trẻ điếc sâu sẽ phải cấy ốc tai điện tử. Tuy nhiên, hầu hết trẻ không thể tiếp cận được giải pháp hỗ trợ này.
Từ thực tế điều trị, BS Nguyễn Tuấn Như, Trưởng khoa Tai Mũi Họng cho hay, trong số gần 400 bệnh nhi được chẩn đoán nghe kém mỗi năm tại Nhi Đồng 1 thì đến nay mới có gần 50 ca được thực hiện phương pháp cấy ốc tai điện tử. Điều đó cho thấy hầu hết trẻ bị điếc sâu đã phải chấp nhận cảnh sống trong câm lặng. Lý giải cho nguyên nhân rất ít trẻ được cấy ốc tai điện tử, BS Tuấn Như cho biết, giá của một thiệt bị này hiện nay lên tới 450 triệu đồng, không được bảo hiểm y tế chi trả nên đa số gia đình có con em bị điếc sâu không đủ điều kiện thực hiện.
Khảo sát trên 100 trẻ nghe kém được các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 thực hiện cho thấy: có 25 trẻ từng phải nằm dưỡng nhi, 10 trẻ bị ngạt lúc sinh và 65 trẻ sinh đủ tháng. 34,4% các trường hợp trẻ được chẩn đoán nghe kém có mẹ bị sốt phát ban trong thai kỳ. Tuy nhiên chỉ có 1/3 trong số các bà mẹ được xét nghiệm chẩn đoán về rubella, những trường hợp còn lại không được quan tâm.
Vân Sơn