Hậu Covid-19: Người phụ nữ có ý định tự sát vì coi mình là gánh nặng

Minh Nhật

(Dân trí) - Từng có tiền sử trầm cảm đã điều trị ổn định nhiều năm, thế nhưng sau khi mắc Covid-19, người phụ nữ 45 tuổi (sống tại Hà Nội) lại gặp những vấn đề nặng nề về tâm lý.

Đây là một trường hợp được TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, tiếp nhận điều trị trong thời gian gần đây.

Theo chia sẻ của BS Thu, 5 năm về trước, bệnh nhân nhiều lần tìm cách tự sát bằng thuốc sâu, thuốc tân dược quá liều… nhưng không thành.

Sau khi đến Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương, bệnh nhân được thăm khám và chỉ định uống thuốc. Nhờ vậy, trong nhiều năm liền, sức khỏe tâm thần của bệnh nhân được ổn định.

Tuy nhiên, sau đợt mắc Covid-19 vừa qua, bệnh trầm cảm của người phụ nữ này chuyển biến nặng hơn, trong khi vẫn uống thuốc đều đặn.

Hậu Covid-19: Người phụ nữ có ý định tự sát vì coi mình là gánh nặng - 1

TS.BS Trần Thị Hồng Thu thăm khám cho một bệnh nhân (Ảnh minh họa).

Theo chia sẻ, bệnh nhân thường xuyên trong trạng thái căng thẳng, khó chịu, cảm thấy bản thân tội lỗi và là gánh nặng của gia đình.

Những suy nghĩ tiêu cực này dần khiến chị tuyệt vọng và thậm chí là bắt đầu nghĩ cách tự sát như là lối thoát duy nhất cho bản thân.

Trường hợp của bệnh nhân được TS Thu đánh giá là tình huống cấp cứu trong chuyên khoa tâm thần. Do đó, bệnh nhân được chỉ định nhập viện và có sự theo dõi sát 24/24h.

Cùng với đó, bệnh nhân được tăng liều thuốc chữa trầm cảm và kết hợp cùng thuốc giảm lo âu mạnh.

"Với phương pháp điều trị này, nữ bệnh nhân đã vượt qua được cơn bệnh cấp tính. Hiện bệnh nhân đang ổn định dần", TS Thu cho biết.

Cũng theo chuyên gia này, việc bị stress, trầm cảm khi mắc Covid-19 là không hề hiếm gặp. Đặc biệt, với những người đã có sẵn bệnh lý tâm thần từ trước.

Thời gian vừa qua, bệnh viện tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nhân tới khám tâm thần sau khi mắc Covid-19. Nữ bệnh nhân này chỉ là một trong số đó. Nhiều người trước đây sức khỏe bình thường, khi mắc Covid-19 triệu chứng cũng rất nhẹ, nhưng hậu Covid-19 lại phải đối diện với nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Các bệnh nhân đến khám sức khỏe tâm thần hậu Covid-19 chủ yếu mắc các triệu chứng rối loạn lo âu, trầm cảm. Bệnh nhân thường rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, dễ cáu, khó kiểm soát cảm xúc.

Nhiều người có triệu chứng của bệnh cơ thể (đau đầu, đau mỏi người, khó thở, mất ngủ…) thường nghi ngờ bản thân mắc bệnh nặng. Khi đi khám, bác sĩ ghi là theo dõi bệnh này, bệnh kia để làm xét nghiệm tầm soát, bệnh nhân lại hiểu rằng mình đang mắc bệnh đó, nên quyết đi khám để tìm nguyên nhân, tìm ra tên gọi cho căn bệnh của mình.

Nhiều người vì né tránh sự kỳ thị về bệnh tâm thần nên nhất định không chịu khám sức khỏe tâm thần. Chỉ vì quan niệm sai lầm, cho rằng bệnh tâm thần chỉ đơn thuần là "mất trí", họ cố tình lờ đi các biểu hiện đáng nghi hoặc đi khám các chuyên khoa khác. Bởi vậy, mà làm phát sinh những thiệt hại không đáng có.

Do đó, TS Thu nhấn mạnh rằng, các gia đình cần đặc biệt quan tâm đến người nhà có rối loạn lo âu, trầm cảm (nếu có). Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu bệnh nặng hơn sau khi mắc Covid-19, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở chuyên khoa về tâm thần để được thăm khám và điều trị kịp thời.