1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hao người tốn của như ung thư

(Dân trí) - Thật khó tin khi biết rằng bệnh viện K (Hà Nội) cách đây 10 năm “vắng như chùa bà đanh”, đối lập hoàn toàn với tình trạng quá tải trầm trọng hiện nay và kéo theo đó là ngày càng nhiều gia đình tổn thất nặng nề vì người thân mắc ung thư…

 

Hao người tốn của như ung thư

Tình cảnh đông đúc, chờ đợi như thế này diễn ra hằng ngày ở BV K

Tiêu tan tích góp cả đời

 

Cầm kết quả xét nghiệm khẳng định ung thư gan và đã di căn sang đại trực tràng, vợ con bệnh nhân N.T. N. (Hà Nội) nước mắt lăn dài bởi biết rằng sự sống của cha, chồng mình sẽ chỉ còn tính bằng tháng bằng ngày, có thể là ngay bây giờ nếu không có đủ tiền của để theo đuổi quá trình điều trị.

 

Sự bi quan của gia đình bệnh nhân N. là hoàn toàn có cơ sở  khi chỉ có 15% bệnh nhân ung thư sống đợc thêm 5 năm kể từ khi được điều trị bằng tất cả những biện pháp tốt nhất và thời gian kéo dài sự sống trung bình của 1 bệnh nhân ung thư tại Việt Nam thường không quá 12 tháng (kể từ thời điểm được phát hiện). Điều này có nghĩa hầu hết bệnh nhân khác trong viện K (Hà Nội) đành khăn gói trở về nhà chờ chết sau khi đã tiêu hết toàn bộ số tiền tiết kiệm cả đời, bán đi căn nhà đang ở và tiền của do những người thân trong họ mạc đóng góp… cho những đợt hóa trị, xạ trị, đi lại, bồi bổ… khi ung thư đã ở giai đoạn nặng.

 

Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư Việt Nam, nếu ở giai đoạn đầu, phát hiện sớm, chi phí điều trị, chủ yếu là phẫu thuật, chỉ mất khoảng 10 triệu đồng thì khi ở giai đoạn muộn, chi phí điều trị sẽ tăng lên gấp hàng trăm lần. Ví như chỉ tính riêng tiền thuốc cho 1 đợt hóa trị (6 lần) có thể lên tới gần 70 triệu đồng và nếu điều trị bằng liệu pháp trúng đích, riêng tiền thuốc cho 1 lần đã lên tới cả trăm triệu đồng… chưa kể chi phí các loại thuốc khác, giường bệnh, đi lại, ăn ở… thiệt hại về kinh tế do phải nghỉ làm, nghỉ học… của người bệnh và người thân. Và gánh nặng kinh tế này đang đè nặng lên 70% trường hợp mắc ung thư, phần lớn là những người nghèo, những người ít hiểu biết về phòng bệnh cũng như ít có điều kiện đi kiểm tra, phát hiện bệnh sớm tại những cơ sở chuyên khoa đầy đủ trang thiết bị.

 

Cần khoảng 20 bệnh viện như bệnh viện K hiện nay

 

Theo thống kê mới nhất (ước tính từ số liệu thống kê từ 6 tỉnh là Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Thái Nguyên, Huế và Cần Thơ), tỉ lệ mới mắc chung của mọi ung thư ở Việt Nam sau 10 năm đã tăng gần 30%, lên tới 134,9/100.000 (nữ) - 181,3/100.000 (nam). Như vậy, ước tính riêng năm 2010, Việt Nam có tối thiểu 126.307 ca ung thư mới mắc ở cả 2 giới và thiệt hại kinh tế ước tính lên tới hơn 90 ngàn tỉ đồng mỗi năm (gần đủ để xây 2 bệnh viện ung bướu hiện đại).

 

Do tỉ lệ thuận với sự phát triển của xã hội nên chắc chắn tỉ lệ ung thư sẽ còn gia tăng nhanh chóng và theo đánh giá của GS.TS Nguyễn Bá Đức, phải có khoảng 20 bệnh viện như bệnh viện K hiện nay nằm rải rác trên khắp cả nước mới có thể chấm dứt tình trạng quá tải triền miên tại 2 bệnh viện ung bướu lớn nhất nước nằm ở Hà Nội và TPHCM.

 

Trên thực tế, cả nước chỉ có 2 bệnh viện điều trị ung thư là bệnh viện K (Hà Nội) và bệnh viện Ung bướu TPHCM được trang bị đủ máy móc và có một đội ngũ bác sĩ tay nghề cao, giàu kinh nghiệm. Còn lại (khoa/bệnh viện ung bướu ở 19 tỉnh thành) mới chỉ đang trong giai đoạn hình thành tổ chức và bắt đầu xây dựng hạ tầng cơ sở.

 

Qua khảo sát thực trạng chẩn đoán và điều trị ung thư tại một số bệnh viện đa khoa của 63 tỉnh được công bố trong Báo cáo sơ bộ kết quả thực hiện Dự án Quốc gia về phòng chống ung thư giai đoạn 2008 - 2010 cho thấy khoảng 15% bệnh viện tỉnh không điều trị bệnh nhân ung thư; đa số các bệnh viện tuyến tỉnh điều trị ung thư bằng 1 phương pháp duy nhất là phẫu thuật bởi không có trang thiết bị, nhân lực lại yếu và thiếu.

 

Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Hữu Đức, ngoài việc xây dựng thêm bệnh viện, chuyên khoa ung bướu thì việc giáo dục trách nhiệm cho người dân rất quan trọng. Sở dĩ người dân ở các nước như Singapore, Malaysia… không hút thuốc lá nơi công cộng, tẩy chay thực phẩm không ghi rõ xuất xứ, thành phần, tích cực vận động… là bởi chính quyền các nước này đã có và thực thi một chế tài nghiêm khắc với các mức phạt nặng (đánh vào kinh tế) đối với các hành vi gây hại cho môi trường sống (Ví như phạt 1.000 đô la Singapore, tương đương với khoảng 900 đô la Mỹ, cho hành vi hút thuốc tại các nơi công cộng) và các chương trình hướng dẫn người dân về cách ăn uống sao cho an toàn và tốt cho sức khỏe, thời lượng vận động tối thiểu trong ngày, tuần….

 

Mặc dù những số liệu về thực trạng ung thư và gánh nặng kinh tế - xã hội đối với cộng đồng trên đây chỉ là ước tính (bởi số liệu ghi nhận ung thư hiện chưa phản ánh được thực tế, mới chỉ là ước lượng bình quân cả nước trên 1 số tỉnh nhất định, và mới chỉ dừng ở thống kê số người mắc, chưa thể thống kê số người tử vong, những thiệt hại kinh tế, xã hội cụ thể do ung thư gây ra) nhưng rõ ràng nó đã góp phần quan trọng tạo dựng những hình ảnh đầu tiên của một bức tranh toàn cảnh về thực trạng ung thư tại Việt Nam, từ đó giúp các nhà hoạch định chính sách thấy được sự quan trọng và cần thiết phải ưu tiên triển khai mạng lưới phòng chống ung thư với mục tiêu phòng và phát hiện sớm ung thư, giảm tỉ lệ mắc và giảm chi phí điều trị.

 

Và bức tranh này đang ngày càng rõ hơn nhờ Dự án Quốc gia về phòng chống ung thư giai đoạn 2011-2015 nói riêng cũng như nghiên cứu “Gánh nặng của bệnh ung thư và những hậu quả kinh tế và xã hội đối với cộng đồng các nước ASEAN” do Roche tài trợ đang được đẩy mạnh tại khu vực.

 

“Tác động đang gia tăng của căn bệnh ung thư rõ ràng sẽ sớm gây ra gánh nặng kinh tế chủ yếu và ngày càng nặng nề đối với các cá nhân và gia đình trong khu vực ASEAN. Khi ung thư  đang ngày một lan rộng, việc cấp bách hiện nay là chúng ta cần huy động các nước thành viên ASEAN và khuyến khích họ đưa ra một chính sách chiến lược và tập trung vào điều trị sức khỏe và phòng chống ung thư. Chính sách này cần phải được hỗ trợ bởi các chương trình ngăn ngừa ung thư có tổ chức và dựa trên các bằng chứng nghiên cứu xác thực và phải được củng cố với các thông tin đăng ký khám chữa bệnh và dữ liệu dân số đáng tin cậy”, TS. Surin Pitsuwan, Tổng thư ký ASEAN, nhấn mạnh tại diễn đàn các đối tác về căn bệnh ung thư tại khu vực ASEAN không giới hạn vừa được tổ chức tại Singapore giữa năm ngoái.

 

Thu Phương