Hành trình 10 năm của "chú lính chì" Thiện Nhân

(Dân trí) - Sáng 20/6, tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, Hành trình “Thiện Nhân và những người bạn” đã tổ chức buổi gặp gỡ đặc biệt giữa cậu bé Thiện Nhân và những bác sĩ, giáo sư đã cứu sống, phẫu thuật cho em.

Đây là cuộc hội ngộ của những người trong suốt 10 năm đã nối bước nhau, dùng tình yêu bù đắp cho "chú lính chì" Thiện Nhân và hàng trăm trẻ em kém may mắn bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục tại Việt Nam.

Chú lính chì Thiện Nhân nay đã 10 tuổi
Chú lính chì Thiện Nhân nay đã 10 tuổi

Bác sĩ Kiều Trinh (Bệnh viện đa khoa Quảng Nam) cho biết, cách đây 10 năm, bệnh viện tiếp nhận một sinh linh bé nhỏ. Mọi người đều rất bàng hoàng khi thấy em bé bị cắt cụt chân và bộ phận sinh dục.

Sau khi được sơ cứu, em được đưa qua hồi sức. Trong thời gian đó có nhiều người đến hỏi thăm em. Nhiều người cũng tò mò muốn biết làm thế nào mà một sinh linh bé nhỏ như thế có thể chống chọi được với những tổn thương nặng nề như vậy. Và như có một phép màu, vết thương đó không bị nhiễm trùng mà đã lành lại.

“Qua 1 tháng, chúng tôi nghĩ em phải có tên. Tôi đặt tên là Thành Nhân mới mong muốn sau này em sẽ thành người. Nhưng sau đó bác sĩ Hiếu có góp ý cho tôi, tên Thiện hay hơn tên Thành. Và cái tên Thiện Nhân có từ đó”, bác sĩ Kiều Trinh nhớ lại.

Chị Trần Mai Anh xúc động chia sẻ hành trình 10 năm ươm mầm Thiện
Chị Trần Mai Anh xúc động chia sẻ hành trình 10 năm ươm mầm Thiện

Cũng theo bác sĩ Kiều Trinh, lúc đó có nhiều tổ chức, cá nhân đã ủng hộ sữa, quần áo để giúp bệnh viện nuôi bé Thiện Nhân. Sau 2 tháng, Thiện Nhân cứng cáp lên nên được bệnh viện gửi về cho bà ngoại. Và cuộc đời em đã bước sang một trang mới khi gặp mẹ Trần Mai Anh.

Còn bác sĩ Đinh Thị Tố Trinh cho biết, lúc đó bà là Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Quảng Nam (nay đã nghỉ hưu) và hôm đó bà trực lãnh đạo. Ca trực thông báo có một trường hợp cần phải truyền nhóm máu B nhưng máu dự trữ không còn. Lúc đó bà không ngần ngại đã hiến máu để cứu Thiện Nhân và bà cảm thấy rất hạnh phúc vì điều đó.

Giáo sư Roberto de Castro tiếp tục thăm khám cho những trẻ bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục
Giáo sư Roberto de Castro tiếp tục thăm khám cho những trẻ bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục

Sau 10 năm gặp lại, bác sĩ Kiều Trinh chỉ có thể nói về Thiện Nhân: “Đó là một chú linh chì quá dũng cảm”.

Bác sĩ Kiều Trinh cũng rất khâm phục việc làm của mẹ Mai Anh. Đó là một bà mẹ vĩ đại. Không chỉ ươm mầm cho bé Thiện Nhân mà còn giúp rất nhiều em nhỏ khác có cơ hội được phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục.

Giáo sư Roberto de Castro - người đã phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục cho bé Thiện Nhân và hàng trăm trẻ khác ở Việt Nam cảm ơn những bác sĩ đã cứu sống cậu bé.

Ông cho biết, gặp gỡ Thiện Nhân và gia đình em khi họ đưa Nhân đến nước Ý. Lúc đó, các bác sĩ ở đây đã có cuộc thảo luận vì muốn giúp đỡ những em bé có hoàn cảnh tương tự như bé Thiện Nhân.

“Nhờ cái tên Thiện Nhân mà chương trình của chúng tôi đã thăm khám 600 em nhỏ và phẫu thuật gần 200 em. Và một lần nữa tôi rất cảm ơn và cảm thấy hạnh phúc là một người trong chương trình”, giáo sư Roberto chia sẻ.

Hai bác sĩ Bệnh viện đa khoa Quảng Nam kể lại lúc cứu sống bé Thiện Nhân
Hai bác sĩ Bệnh viện đa khoa Quảng Nam kể lại lúc cứu sống bé Thiện Nhân

Chị Trần Mai Anh cho biết, cách đây 1 năm, khi nhà trường ra đề văn: em hãy tả về lễ hội ở quê em. Lúc đó Thiện Nhân không làm được. Mẹ phải xin cô giáo cho em nợ bài văn đó.

Lần này chị đưa Thiện Nhân trở về quê hương, cũng là dịp để con có thể hoàn thành bài văn này. Đó là một điều rất quan trọng đối với Thiện Nhân. Hai mẹ con đã cùng ra sông Hoài để thả hoa đăng. Giờ thì Thiện Nhân có thể hoàn thành bài văn của mình được rồi.

“Hành trình của Thiện Nhân vẫn còn, còn nhiều cháu vẫn cần phẫu thuật. Hành trình Thiện Nhân không thể ngày một ngày hai mà hoàn thành. So với 10 năm trước, mẹ con cháu thấy mình không đơn độc, đã có người đồng hành”, chị Mai Anh xúc động.

Hành trình “Thiện Nhân và những người bạn” thuộc Quỹ phòng chống thương vong Châu Á. Dự án được khởi xướng từ việc giúp Thiện Nhân – cậu bé bị bỏ rơi tại một vùng núi của tỉnh Quảng Nam, bị thú hoang ăn mất bộ phận sinh dục và một chân khi vừa chào đời, trải qua nhiều cuộc phẫu thuật để trở lại cuộc sống bình thường.

Sau khi tin tức về ca phẫu thuật thành công của Thiện Nhân được phát đi, rất nhiều gia đình nghèo trên khắp Việt Nam đã tìm đến chương trình để chia sẻ câu chuyện của chính họ. Những khiếm khuyết ở bộ phận sinh dục vốn không phải là một đề tài được chia sẻ rộng rãi trong xã hội Châu Á. Tuy nhiên, câu chuyện của Thiện Nhân đã góp phần thay đổi quan niệm này.

Chính từ ý nghĩa đó đã thôi thúc ông Greig Carft (nhà hảo tâm người Mỹ), chị Trần Mai Anh và giáo sư Roberto de Castro đi đến quyết định thành lập dự án.

Tháng 8/2011, nhân chuyến đi của bác sĩ Roberto de Castro sang Việt Nam, dự án đã tổ chức thăm khám lần đầu tiên cho hơn 100 bệnh nhi ở Hà Nội. Cũng từ đó, mỗi năm, dự án tổ chức 2 lần khám và phẫu thuật trên cả nước cho các em nhỏ, cả trai và gái bị khiến khuyết bộ phận sinh dục.

Tính đến tháng 6/2016, sau 5 năm, chương trình đã có 9 đợt mời bác sĩ Roberto de Castro và các bác sĩ từ Ý, Mỹ sang Việt Nam khám tư vấn miễn phí và phẫu thuật cho trẻ em không may mắn. Chương trình đã thực hiện được gần 200 ca phẫu thuật miễn phí và khám tư vấn cho hơn 600 trẻ em không may khiến khuyết bộ phận sinh dục.

“Còn rất nhiều hồ sơ cứ cao lên từng ngày và chậm thêm một ngày là các em lại thêm những nỗi đau. Tôi không tham vọng là sẽ xoa dịu được tất cả, cũng chẳng dám cam kết rằng bao giờ dự án sẽ kết thúc, nhưng còn một hồ sơ thì chúng tôi sẽ còn tiếp tục”, chị Trần Mai Anh chia sẻ.

Năm 2015, Hành trình “Thiện Nhân và những người bạn” và cá nhân giáo sư Roberto de Castro đã vinh dự nhận giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm về những đóng góp xã hội.

Tiếp tục trong khuôn khổ hợp tác này, từ ngày 20 – 24/6, Quỹ phòng chống thương vong Châu Á và giáo sư Roberto de Castro tiếp tục khám và phẫu thuật cho các trẻ khuyết bộ phận sinh dục tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng.

Khánh Hồng