Hàng trăm nghìn liều vaccine phòng Covid-19… đang "ngủ đông"

Nguyễn Hành

(Dân trí) - Vì nhiều lý do, tại một số tỉnh, thành ở khu vực ĐBSCL đang dư hàng trăm nghìn liều vaccine phòng Covid-19. Các tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân đến tiêm vaccine.

Hàng trăm nghìn liều vaccine… "ngủ đông"

Ghi nhận tại An Giang tình hình dịch Covid-19 trong nhiều ngày qua không phát hiện ca bệnh mới. Hiện toàn tỉnh đang điều trị 4 ca bệnh, lũy kế từ ngày 20/4/2020 đến nay toàn tỉnh An Giang điều trị khỏi hơn 40.000 ca bệnh.

Về công tác tiêm phòng vaccine phòng Covid-19 cho người dân, theo báo cáo của Sở Y tế An Giang, tính đến ngày 6/6/2022, nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên tỷ lệ tiêm ngừa đạt như kế hoạch đặt ra. Riêng các mũi bổ sung đạt hơn 79%/1,3 triệu người, mũi nhắc lại hiện nay chỉ đạt hơn 35%/1,3 triệu người.

Hàng trăm nghìn liều vaccine phòng Covid-19… đang ngủ đông - 1

Trong nhiều ngày qua, An Giang và nhiều tỉnh khu vực ĐBSCL không phát hiện thêm ca mắc Covid-19 mới (Ảnh: CTV).

Nhóm trẻ từ 12 tuổi đến 17 tuổi (có gần 200.000 người), tỷ lệ tiêm đạt gần 100%; nhóm trẻ từ 5-12 tuổi (trên 222.400 trẻ), tiêm mũi 1 đạt hơn 48%, mũi 2 mới chỉ đạt 3%.

Tính đến tuần đầu tháng 6/2022, An Giang hiện tồn hơn 150.000 liều, trong đó, hơn 100.000 liều vaccine Pfizer và hơn 50.000 liều vaccine Vero Cell. Số vaccine đang "ngủ đông" này đang gửi Viện Pasteur TPHCM.

Còn tại các đơn vị y tế tuyến huyện, vaccine Moderna còn 1.500 liều (của trẻ em 6-11 tuổi), Pfizer hơn 256.800 liều (188.358 liều của người lớn, 68.480 liều của trẻ 5-11 tuổi), Vero Cell 175 liều và Abdala còn hơn 2.670 liều.

Theo lãnh đạo Sở Y tế An Giang, nguyên nhân vaccine phòng Covid-19 tồn nhiều là do sau khi làn sóng dịch thứ 4 tạm ổn, phần lớn đối tượng về địa phương trong đợt tránh dịch Covid-19 từ các tỉnh khác, nay người dân rời An Giang đi làm công nhân.

Hàng trăm nghìn liều vaccine phòng Covid-19… đang ngủ đông - 2

Số vaccine phòng Covid-19 đang dư có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc hàng chục nghìn lao động về quê, khi dịch kiểm soát người dân tiếp tục quay trở lại nơi làm việc trước đó (Ảnh: CTV).

Ngoài ra, điều kiện người dân được tham gia vào các hoạt động xã hội trong giai đoạn hiện nay không có quy định phải tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại, sau các liều tiêm cơ bản.

Đặc biệt, tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay cơ bản đã được kiểm soát, điều này dẫn đến cảm giác chủ quan, thờ ơ với tiêm phòng Covid-19, cảm thấy không cần thiết phải tiêm chủng nữa trong đại đa số người dân.

Còn tại Kiên GiangĐồng Tháp, tình hình dịch bệnh xem như kiểm soát, nhiều ngày qua không phát hiện ca nhiễm mới, số ca điều trị giảm chỉ vài chục ca, những ca bệnh nặng đã không còn.

Riêng công tác tiêm ngừa vaccine phòng Covid-19 cho người dân, đối với nhóm 18 tuổi trở lên, số lượng tiêm mũi 1 và mũi 2 đều đạt như yêu cầu. Riêng mũi bổ sung, mũi nhắc lại tỷ lệ giảm dần.

Nhóm trẻ từ 12 -17 tuổi, tỷ lệ được tiêm vaccine phòng Covid - 19 tại Kiên Giang và Đồng Tháp đạt tỷ lệ từ 98 - 99%. Chỉ riêng nhóm trẻ từ 5-11 tuổi, tỷ lệ trẻ tiêm mũi 2 còn rất thấp, Kiên Giang đạt 0,2 %, Đồng Tháp đạt hơn 14% trên dân số toàn tỉnh.

Đi từng ngõ, gõ từng nhà… "mời" tiêm vaccine

Trước tình hình vaccine phòng Covid-19 có thể bị dư nếu không tiêm ngừa kịp thời, giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang kiến nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh chỉ đạo các địa phương quyết liệt rà soát các đối tượng từ 18 tuổi trở lên đã hoàn thành mũi cơ bản, đảm bảo không để vắc xin thừa và hết hạn sử dụng phải hủy, nhất là các vaccine đã rã đông, hạn sử dụng ngắn như: Moderna, Pfizer, Abdala.

Hàng trăm nghìn liều vaccine phòng Covid-19… đang ngủ đông - 3

Để giải quyết tình trạng người dân thờ ơ với việc tiêm vaccine các mũi nhắc lại, lãnh đạo các địa phương đã chỉ đạo ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nhanh chóng đến tiêm vaccine (Ảnh: CTV).

Các đơn vị cần tổ chức triển khai tiêm cho đối tượng trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo chỉ tiêu kế hoạch. Tiếp tục rà soát tiêm vét cho các đối tượng từ 12 - 17 tuổi và đối tượng từ 18 tuổi trở lên chưa tiêm hoặc đã tiêm mũi 1 để tiêm liều cơ bản.

Hiện lãnh đạo ngành y tế tại các tỉnh Kiên Giang, An Giang và Đồng Tháp đang tập trung công tác tuyên truyền vận động người dân đi tiêm vaccine theo phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", đảm bảo không bỏ sót đối tượng tiêm chủng.

Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện nay số vaccine gọi là dư và còn tại các đơn vị để thực hiện tiêm ngừa cho người dân, tỉnh đang thống kê. Hiện có 200.000 liều vaccine Vero Cell đang gửi Viện Pasteur TP. HCM. Tỉnh đang tập trung vào công tác tuyên truyền để người dân đủ điều kiện nhanh chóng đến các cơ sở y tế gần nhất để tiêm ngừa vaccine phòng Covid-19.

Hàng trăm nghìn liều vaccine phòng Covid-19… đang ngủ đông - 4

Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo ngành chức năng rà soát lại các đối tượng trong nhóm tiêm vaccine để vận động tuyên truyền người dân tiêm vaccine phòng Covid-19 (Ảnh: CTV).

TS.BS Trần Quang Hiền - Giám đốc Sở Y tế An Giang cho biết,  hiện nay có một bộ phận người dân nhận thấy tiêm phòng Covid-19 không hiệu quả nhiều đối với chủng Omicron, mặc dù hiệu quả khi tiêm vaccine tình trạng diễn biến nặng, tử vong giảm rõ nét. Một số đông chưa tiêm vì thời gian giữa 2 mũi chưa đủ thời gian như quy định...

Trong khi đó, phần lớn các trạm y tế thụ động chờ người dân đăng ký tiêm mũi nhắc lại. Hoạt động truyền thông về việc tiêm vaccine Covid-19 cũng như lợi ích của tiêm mũi nhắc lại tại tuyến xã, phường, thị trấn rất yếu. Do đó, cần xây dựng nội dung tuyên truyền và tăng tần suất tuyên truyền sâu rộng đến người dân về lợi ích khi tiêm vaccine phòng ngừa Covid-19.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm