Những phản ứng da liễu nào có thể xuất hiện sau tiêm vaccine Covid-19?
(Dân trí) - Nghiên cứu cho thấy sau tiêm vaccine Pfizer, người tiêm có thể gặp phản ứng viêm muộn, phát ban, nổi mày đay, vẩy phấn hồng... Những phản ứng này không cần chống chỉ định tiêm mũi 2.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), từ khi bắt đầu tổ chức tiêm chủng đến hết 30/10, Thành phố đã tiêm được hơn 13,2 triệu mũi tiêm, trong đó hơn 5,7 triệu người đã tiêm mũi 2.
Riêng độ tuổi trẻ em, trong ngày 30/10 có hơn 135.000 trẻ 12-17 tuổi được tiêm vaccine Covid-19. Cộng dồn từ khi bắt đầu triển khai chiến dịch, đã có 352.00 trẻ được tiêm vaccine phòng Covid-19.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện nay, Bộ Y tế đã cho phép tiêm 2 loại vaccine Covid-19 cho trẻ em là Moderna và Pfizer. Tại TPHCM, vaccine Pfizer đang được sử dụng tiêm cho các bé.
Nhiều phản ứng da sau tiêm vaccine Pfizer
Mới đây, tại hội nghị khoa học trực tuyến năm 2021 với chủ đề "Chuyên ngành da liễu trong tình hình mới", bác sĩ Lê Thị Minh Ngọc, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da Liễu TPHCM đã có báo cáo về vấn đề xử trí phản ứng da sau tiêm vaccine Covid-19.
Theo thống kê, tính đến thời điểm hiện tại, thế giới đã tiêm khoảng 6,5 tỷ liều vaccine Covid-19, trong đó Việt Nam chiếm hơn 81,3 triệu liều (tính đến ngày 30/10). Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Jama Dermatology của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cho thấy, có xuất hiện các triệu chứng phản ứng phụ trên da sau tiêm vaccine Covid-19, chiếm khoảng 1,9%.
Một số triệu chứng xuất hiện trên da phổ biến đã được ghi nhận lại là "Covid Arm" (phản ứng xảy ra trên cánh tay sau khi tiêm), mày đay, phản ứng viêm muộn, các loại phát ban, vẩy phấn hồng (một dạng phát ban đốm tròn hoặc hình bầu dục lớn trên da), tái lại bệnh da đã xảy ra trước đó.
Nghiên cứu trên hơn 4.000 người tiêm vaccine Covid-19 (25% tiêm vaccine Pfizer, 75% tiêm Moderna) cho thấy, có gần 2% số người có các phản ứng trên da sau khi tiêm mũi một.
Phát ban và ngứa là phản ứng phổ biến nhất, chiếm tỉ lệ 1%. Các triệu chứng này phổ biến ở nữ giới, có độ tuổi trung bình là 41 tuổi và xuất hiện tỷ lệ cao hơn ở người da trắng .
Theo báo cáo từ tạp chí Journal of the American Academy of Dermatology, triệu chứng Covid Arm là thường gặp nhất, tiếp theo là triệu chứng về mày đay. Khoảng 43% bệnh nhân bị phản ứng ở mũi đầu, bị tái phát ở liều 2.
Nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of Primary Care & Community Health phân tích, triệu chứng Covid Arm được ghi nhận gồm có đau, hồng ban và sưng phù. Các phản ứng này xuất hiện trong vòng một tuần sau tiêm và kéo dài vài ngày.
Còn phản ứng viêm muộn xuất hiện trên người tiêm Moderna và Pfizer, sau tiêm khoảng 1-2 tuần. Các triệu chứng của phản ứng này như là thay đổi màu da, hồng ban, phù nề xơ cứng và có thể đau.
Phản ứng vảy phấn hồng xuất hiện ở cả vaccine bất hoạt và vaccine mRNA (như Pfizer), ở cả nam và nữ trong độ tuổi trung bình là 45 tuổi. Theo J Cosmet Dermatol, phản ứng này được ghi nhận chủ yếu ở mũi tiêm thứ nhất và có thể khởi phát sau mũi 2.
Một số phản ứng phát ban da khác cũng được ghi nhận như phát ban dát sẩn, phát ban dạng sởi (morbilliform), hồng ban đa dạng và hội chứng Steven-Johsons. Ghi nhận ở Mỹ, có 1,3% ca bệnh zona (giời leo) trên người tiêm vaccine Pfizer, gần 1% trên người tiêm Moderna.
Ngoài ra, bùng phát viêm da cơ địa, tái hoạt virus herpes cũng được báo cáo. Một số trường hợp gặp tình trạng bùng phát bệnh da trước đó với các bệnh như vảy nến, lichen planus (rối loạn da liễu), bệnh bạch biến...
Cách xử trí
Để xử lý các trường hợp phản ứng sau tiêm, bác sĩ Lê Thị Minh Ngọc cho biết, đối với triệu chứng thông thường như Covid Arm, người bệnh có thể điều trị bằng phương pháp chườm mát, thoa corticosteroid, sử dụng thuốc kháng histamine, Paracetamol.
Đối với triệu chứng của vảy phấn hồng sau tiêm, người bệnh cũng sử dụng thuốc kháng histamine và corticosteroid thoa, sau đó bệnh sẽ giảm dần trong khoảng 2 tháng. Để điều trị mày đay sau tiêm, người bệnh nên sử dụng thuốc kháng histamine và corticosteroids đường uống.
Với các phản ứng tiêm muộn, người bệnh cần được theo dõi diễn tiến, sử dụng thuốc tiêm và kháng sinh nghi ngờ bội nhiễm theo chỉ định của bác sĩ. Nếu có triệu chứng zona sau khi tiêm cần phải đến bệnh viện. Tùy vào tình trạng da cụ thể, các bác sĩ có thể phối hợp liên khoa xử lý khi cần.
Bác sĩ Ngọc khuyến cáo, tùy vào mỗi triệu chứng da cụ thể, bệnh nhân nên hỏi ý kiến bệnh viện để được điều trị thích hợp. Trừ trường hợp bệnh nhân sốc phản vệ, phần lớn không chống chỉ định tiếp tục tiêm mũi 2.