Hàng loạt ca nhiễm ký sinh trùng vào viện: Ẩn họa vì thích ôm, hôn chó mèo

Hoàng Lê

(Dân trí) - Bác sĩ cảnh báo, sở thích ôm hôn, ngủ cùng chó, mèo nhưng không tẩy giun định kỳ, thả rông vật nuôi cũng khiến nhiều người nhiễm bệnh nguy hiểm.

Hàng loạt người vào viện cầu cứu vì nhiễm ký sinh trùng

Gần 5 năm nay, bà V. (54 tuổi, quê Bình Định) liên tục chịu đựng những cơn ngứa dữ dội vì căn bệnh mề đay, làm ảnh hưởng tới công việc, sinh hoạt và giấc ngủ. Bà đi khám nhiều nơi nhưng không tìm được nguyên nhân vì sao bệnh tái phát liên tục.

Gần đây, người phụ nữ đến một bệnh viện ở TPHCM và chỉ định làm các tầm soát như xét nghiệm ký sinh trùng, xét nghiệm 60 dị nguyên gây dị ứng… Kết quả cho thấy, bà V. nhiễm giun đũa chó mèo và giun lươn.

Sau hai tuần dùng bằng thuốc đặc trị, xét nghiệm trong cơ thể người bệnh không còn giun lươn, giun đũa chó mèo. Tình trạng nổi mề đay ở người bệnh giảm dần.

Hàng loạt ca nhiễm ký sinh trùng vào viện: Ẩn họa vì thích ôm, hôn chó mèo - 1

Da một người bệnh bị nổi mề đay (Ảnh: BV).

Đi khám vì nổi mụn nước, da tróc vảy, ngứa tay, vùng kín và nhiều vị trí khác, anh Q. (28 tuổi, ngụ TPHCM) bất ngờ khi nghe bác sĩ chẩn đoán mình bị đồng mắc ghẻ và nấm da.

Anh cho biết, các triệu chứng xuất hiện từ tuần trước. Nghĩ bị côn trùng đốt thông thường, chàng trai không đi khám cho tới khi ngứa ngáy nặng nề, đêm xuống không ngủ nổi. Sau khi phát hiện bệnh, vợ cùng hai con của anh Q. cũng được làm xét nghiệm, ghi nhận có nhiều ghẻ trên mẫu bệnh phẩm.

Một trường hợp khác là ông D. (47 tuổi) đi khám khi chân nổi nhiều vệt ngoằn ngòeo màu đỏ nâu sậm. Khoảng một tháng trước, gia đình ông có kỳ nghỉ hè dài ngày ở vùng biển, thường xuyên tiếp xúc với cát. Về nhà, người đàn ông ngứa chân nhiều rồi xuất hiện triệu chứng nêu trên.

Qua thăm khám, bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh nhiễm ấu trùng di chuyển, phải uống thuốc diệt ký sinh trùng cùng thuốc giảm ngứa trong 2 tuần.

Hàng loạt ca nhiễm ký sinh trùng vào viện: Ẩn họa vì thích ôm, hôn chó mèo - 2

Mẫu bệnh phẩm của một người bệnh ghi nhận ký sinh trùng dưới kính hiển vi (Ảnh: BV).

Ẩn họa vì sở thích ôm, hôn chó mèo

Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, Trưởng chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, một đơn vị y tế ở TPHCM cho biết, mỗi tháng, nơi bà làm việc ghi nhận khoảng 200 trường hợp nhiễm ký sinh trùng các loại ở cả trẻ em và người lớn đến khám và điều trị.

Theo bác sĩ Bích, có một số loại ký sinh trùng gây bệnh chính ở người, gồm vi nấm, sinh vật đơn bào, giun sán và ngoại ký sinh (bọ chó, chấy, rận, ghẻ, mạt…). Ai cũng có thể nhiễm ký sinh trùng và nhiễm nhiều loại, nhiều lần, dễ tái nhiễm nếu sống trong vùng dịch tễ có bệnh lưu hành.

Những yếu tố khác khiến nhiều người nhiễm bệnh về ký sinh trùng là sống trong môi trường thiếu vệ sinh, dùng chung đồ vệ sinh cá nhân. Một số ngành nghề thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với đất, nước như làm nông, nuôi trồng thủy hải sản, công nhân vệ sinh môi trường… có tỷ lệ nhiễm giun sán cao hơn.

Các loại ký sinh trùng đơn bào và giun sán thường có trên rau củ quả, động vật như bò, heo, cá, cua, lươn, ếch, chim, rắn. Người có thói quen ăn rau sống, thịt sống, thịt tái, tiết canh, nem chua, thịt muối… có khả năng nhiễm bệnh cao.

Hàng loạt ca nhiễm ký sinh trùng vào viện: Ẩn họa vì thích ôm, hôn chó mèo - 3

Ấu trùng giun móc di chuyển trên lưng một người bệnh (Ảnh: BV).

Đáng chú ý, sở thích nuôi, ôm hôn, ngủ cùng chó, mèo nhưng không tẩy giun định kỳ cho vật nuôi, thả rông vật nuôi cũng khiến nhiều người nhiễm ký sinh trùng.

"Sau khi ký sinh trong cơ thể vật nuôi, giun sán đẻ trứng rồi phóng thích ra môi trường thông qua phân. Hậu môn của chó, mèo chứa nhiều trứng giun. Khi chúng liếm hậu môn sau đó liếm lên thân thể, vật dụng sinh hoạt đã phát tán trứng khắp mọi nơi.

Trứng giun bay trong không khí, bám vào thức ăn và xâm nhập vào cơ thể người", bác sĩ phân tích.

Tùy theo loại ký sinh trùng và vị trí ký sinh trong cơ thể người mà có những tác hại khác nhau, như gây viêm da, nổi mề đay, nhiễm trùng... Khi chui vào gan, mắt, não, tủy sống, ký sinh trùng gây ra các triệu chứng liên quan như giảm thị lực, mù, đau dây thần kinh, liệt, hôn mê và có thể dẫn đến tử vong.

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên ăn chín, uống sôi; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch trước và sau ăn hay tiếp xúc với đất, cát, nguồn nước bẩn, động vật; sau khi đi vệ sinh…

Mỗi người cũng nên chủ động tẩy giun định kỳ mỗi năm ít nhất hai lần, thu gom rác thải đúng nơi quy định, thường xuyên vệ sinh chuồng trại cho chó mèo và tẩy giun định kỳ. 

Ngoài ra, ký sinh trùng chỉ là một trong nhiều nguyên nhân gây nổi mề đay, ngứa da. Do đó, người bệnh nên đi khám để xét nghiệm, tìm nguyên nhân chính xác và có phương án điều trị phù hợp.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm