1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

“Hàng đá” phá đời

Nhiều người trẻ nghĩ rằng các loại ma tuý tổng hợp này không gây nghiện bởi chúng sẽ được thải hết khỏi cơ thể, đây thật sự là một sai lầm.

“Hàng đá” phá đời  - 1


  

Hai loại ma tuý tổng hợp phổ biến hiện nay là methamphetamine và cannabis với nhiều dạng viên có màu sắc khác nhau, thường gọi là “hàng đá”. Nhiều người trẻ nghĩ rằng các loại ma tuý tổng hợp này không gây nghiện bởi chúng sẽ được thải hết khỏi cơ thể. Đây thật sự là một sai lầm khiến họ phải trả giá bằng chính cuộc đời mình.

 

Tổng hợp độc hơn thiên nhiên

 

Năm 2011, BV Tâm thần TPHCM nhập viện cấp cứu 113 bệnh nhân và 560 bệnh nhân đến khám điều trị ngoại trú vì các triệu chứng hoang tưởng ảo giác và rối loạn hành vi liên quan đến sử dụng ma tuý. Tất cả bệnh nhân đều khai dùng ma tuý tổng hợp như methamphetamine, cannabis, không ít bạn trẻ dùng chúng với heroin cùng lúc để tăng cảm giác “phê”. Những bệnh nhân này dễ nhận ra với dáng vẻ rã rượi, lời nói và ý tưởng không “dính kết” vì suy giảm khả năng nhận thức, dễ gây gổ... và ngày càng tăng về số lượng.

 

Theo TS Russel C. Callaghan (trung tâm nghiện và sức khoẻ tâm thần Toronto, Canada), người sử dụng methamphetamine có xu hướng mắc bệnh tâm thần phân liệt cao gấp chín lần so với người không dùng và cao gấp 1,5 - 3 lần so với bệnh nhân nghiện nặng cocaine hoặc các chất dạng thuốc phiện (mà không dùng thêm cần sa). Đây là một chứng cứ quan trọng cho các tranh cãi kéo dài lâu nay của các bác sĩ về methamphetamine có gây bệnh tâm thần phân liệt hay không.

 

Kết quả một nghiên cứu khác của TS Carlos Alverio, đại học y khoa Boston, Massachusetts - Hoa Kỳ cho thấy sử dụng cần sa tổng hợp có thể xuất hiện các triệu chứng loạn thần (hoang tưởng ảo giác, rối loạn hành vi tác phong…) ở người chưa hề có tiền sử bệnh tâm thần. Cần sa tổng hợp dễ làm xuất hiện các triệu chứng loạn thần hơn cần sa thiên nhiên. Ngoài ra, những bệnh nhân này còn có tỷ lệ bị nhồi máu cơ tim cao hơn tỷ lệ chung trong dân số.

  

Kết quả một nghiên cứu khác tại Cộng hoà Liên bang Đức trên 1.923 thanh thiếu niên hút cần sa, cho thấy nguy cơ gia tăng các triệu chứng loạn tâm thần so với nhóm thanh thiếu niên không sử dụng cần sa vào thời điểm 3,5 năm, 8,4 năm và 10 năm. Một nghiên cứu của TS Brandon Marshall của đại học sức khoẻ công cộng Mailman Columbia và trung tâm nghiên cứu HIV/AIDS British Columbia, theo dõi hơn 1.800 người chích ma tuý phát hiện 80% bệnh nhân chích methamphetamine tăng nguy cơ tự tử trong bảy năm.

 

Loại nào cũng dễ nghiện khó cai

 

Theo các báo cáo của viện Quốc gia về lạm dụng thuốc (National Institute on Drug Abuse – NIDA) Hoa Kỳ, ngoài hai loại ma tuý tổng hợp kể trên, hiện nay còn nhiều loại khác được quảng cáo ngoài mục đích y khoa và do đó bị lạm dụng dẫn đến rất nhiều hậu quả xấu.

 

Thực tế bệnh nhân đều cho biết sau khi dùng các chất gây ảo giác (LSD) thì hình ảnh không gian trở nên méo mó, xuất hiện ảo tưởng đầy sức mạnh nhưng sợ hãi, lú lẫn, dễ dàng gây hấn và có ý muốn tự tử. Một số chất khác như thuốc “lắc” hay ecstasy gây ngộ độc tế bào thần kinh não và tiếp theo là tổn hại lâu dài ngay cả với liều dùng trung bình.

 

Người sử dụng ecstasy thường không kiểm soát được hành vi kéo theo nhiều hệ luỵ về sức khoẻ (mắc thêm các bệnh lý khác) và pháp luật… Một số chất bay hơi như keo xịt và đặc biệt là các loại nitrites tác dụng trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương gây triệu chứng giống ngộ độc rượu, nói không rõ câu, không điều chỉnh được cử chỉ động tác, ngay sau lúc dùng có thể gây tăng tính dục nhưng sau đó thì suy giảm.

 

SAMHSA (cơ quan Quản lý dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần) của Hoa Kỳ đã tiến hành nghiên cứu từ hơn mười năm nay về các bệnh tâm thần xảy ra ở người nghiện và rất nhiều công trình nghiên cứu của các bác sĩ chuyên khoa tâm thần Hoa Kỳ, cho thấy tỷ lệ một số bệnh tâm thần ở người nghiện các loại ma tuý cao hơn tỷ lệ chung trong dân số. Cao nhất là các rối loạn tâm thần với triệu chứng hoang tưởng ảo giác, rối loạn khí sắc, rối loạn lo âu rất khó điều trị và nhiều nguy cơ nghiện kéo dài.

 

Rất nhiều công trình nghiên cứu của các bác sĩ chuyên khoa tâm thần Hoa Kỳ cho thấy tỷ lệ một số bệnh tâm thần ở người nghiện các loại ma tuý cao hơn tỷ lệ chung trong dân số. Cao nhất là các rối loạn tâm thần với triệu chứng hoang tưởng, rối loạn khí sắc, rối loạn lo âu, rất khó điều trị và nhiều nguy cơ nghiện kéo dài.

 

Điều trị nghiện ma tuý vào loại khó và phức tạp, bao gồm cắt cơn nghiện, sau đó điều trị duy trì làm sao cho các tác động sinh học thần kinh độc hại do ma tuý gây ra giảm dần, đồng thời tạo điều kiện cho bệnh nhân nghiện thay đổi lối sống, tạo hướng suy nghĩ tích cực bằng công ăn việc làm và các hoạt động giải trí thích hợp.

 

Hiện tại có nhiều loại thuốc điều trị nghiện (thuốc đồng vận, agonist như methadone, buprenorphine, LAMM), thuốc hỗ trợ (clonidine, một số thuốc chuyên khoa tâm thần) điều trị cắt cơn tác dụng giảm đau đớn và khủng hoảng tinh thần rất hiệu quả. Phương pháp điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện (điển hình là heroin) bằng duy trì uống methadone tiến hành từng bước kết hợp tâm lý trị liệu, được đánh giá là khoa học và phù hợp nhất trong điều trị nghiện ma tuý.

 

Việc sử dụng các thuốc này đòi hỏi nắm vững cơ chế tác dụng và bác sĩ phải được huấn luyện theo dõi đánh giá hiệu quả điều trị chặt chẽ nhằm tránh các hậu quả không mong muốn, nhất là khi bệnh nhân nghiện thường mắc nhiều bệnh lý và đang sử dụng các thuốc điều trị chuyên khoa khác.

 

Điều trị nghiện không thể thành công nếu chỉ điều trị cắt cơn, và cắt cơn nghiện chỉ là một trong các bước tiến hành của cả quá trình điều trị dài ngày. Đây cũng là kết luận của các bác sĩ chuyên khoa tâm thần trên toàn thế giới sau 40 năm áp dụng các phương pháp điều trị nghiện ma tuý.

 

Tốt nhất, tránh xa ma tuý dù là loại nào vì nghiện ma tuý gây ra bao hậu quả xấu về sức khoẻ, kinh tế, về quan hệ xã hội...

 

Theo BS Phạm Văn Trụ

Sài Gòn Tiếp Thị