Hai thành phố lớn căng mình "chiến đấu" với sốt xuất huyết

(Dân trí) - Số ca sốt xuất huyết ở TPHCM, Hà Nội... tăng nhanh, mạnh chỉ trong 2 tháng trở lại đây đã gây khó khăn trong công tác thăm khám và điều trị.

TPHCM: Bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng nhanh

Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng, từ đầu năm đến nay toàn thành ghi nhận gần 9.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết phải nhập viện, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, chỉ 2 tháng qua, mỗi tuần có từ 450 - 500 ca nhập viện với 3 trường hợp tử vong.


Sốt xuất huyết đã khiến gần 9.000 người trên địa bàn thành phố phải nhập viện trong 7 tháng qua.

Sốt xuất huyết đã khiến gần 9.000 người trên địa bàn thành phố phải nhập viện trong 7 tháng qua.

Ngoài bệnh nhân tại thành phố, theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, từ đầu năm tới nay, có tới 27% người bệnh là từ các tỉnh trong hơn 4.300 bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện này.

Đặc biệt, nhiều ca nhập viện trễ, tình trạng nặng khiến việc chữa trị gặp nhiều khó khăn với 7 trường hợp tử vong hoặc bệnh nặng xin về.

Do chủ động được các phương án trong điều trị nên không có tình trạng quá tải tại khoa Nhiễm D và (2 khoa) Cấp cứu Hồi sức Tích cực Chống độc Người lớn - Trẻ em.


Đã có 7 người tử vong vì sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới kể từ đầu năm đến nay.

Đã có 7 người tử vong vì sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới kể từ đầu năm đến nay.

Tương tự, tại bệnh viện Nhi Đồng 1, TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết cho hay: “Nếu trước chỉ 30 - 40 ca/tháng thì nay đã có 80 - 90 ca nhập viện trong một tuần. So với cùng kỳ tháng 7 năm ngoái, bệnh tăng gần gấp đôi, số ca bệnh nặng cũng nhiều hơn”.

Trong tổng số gần 2.000 trẻ phải nhập viện vì mắc bệnh thì có tới 45% trẻ được chuyển đến từ các tỉnh với 3 ca tử vong.

Mỗi ngày tại khoa đang điều trị khoảng hơn 100 bệnh nhi. Bệnh đông nên tình trạng quá tải “nhẹ” đã xảy ra, một số trẻ phải nằm ghép.


Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận khoảng 45% trẻ mắc sốt xuất huyết từ các tỉnh chuyển đến.

Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận khoảng 45% trẻ mắc sốt xuất huyết từ các tỉnh chuyển đến.

BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế cho hay: "Sốt xuất huyết đến sớm, ca bệnh tăng nhanh đang gây ra những khó khăn nhất định cho ngành y tế thành phố". Do đó, bên cạnh những khuyến cáo đến cộng đồng chủ động các phương án vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng, phòng muỗi đốt..., ngành y tế thành phố sẽ phối hợp với chính quyền địa phương xử phạt nghiêm những điểm gây phát sinh muỗi.

Hà Nội: Số ca sốt xuất huyết đứng thứ 2 cả nước


Cao điểm tại BV Nhiệt đới Trung ương có ngày 700 bệnh nhân SXH đến khám. Tỉ lệ nhập viện dưới 10% còn bệnh nhân sốt 3 ngày đầu được khuyến cáo hạ sốt, theo dõi tại nhà. Ảnh: H.Hải

Cao điểm tại BV Nhiệt đới Trung ương có ngày 700 bệnh nhân SXH đến khám. Tỉ lệ nhập viện dưới 10% còn bệnh nhân sốt 3 ngày đầu được khuyến cáo hạ sốt, theo dõi tại nhà. Ảnh: H.Hải

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, số ca mắc trong 7 tháng đầu năm đã lớn hơn ca mắc SXH trong cả năm trước đó với gần 8.000 bệnh nhân SXH, 04 trường hợp tử vong tính đến thời điểm này.

Các đơn vị có số mắc cộng dồn cao là Đống Đa (1.610), Hoàng Mai (1.562), Hai Bà Trưng (648), Hà Đông (474), Thanh Trì (466), Cầu Giấy (464), Ba Đình (418), Nam Từ Liêm (257), Thanh Oai (253), Thường Tín (232), Hoàn Kiếm (189).

Trong khi đó, các năm trước, tháng 7-8 chỉ xuất hiện rải rác, tăng mạnh trong tháng 9 và tháng 10, đỉnh dịch thường rơi vào tháng 11. Tính trung bình,mỗi năm ở Hà Nội chỉ có từ 5.000 đến 6.000 trường hợp mắc SXH, chỉ riêng năm 2009 là 16.000 ca mắc và 4 tử vong; hay gần 15,5 ngàn ca vào năm 2015.

Theo ông Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, tính đến hiện tại, tính theo số mắc tuyệt đối Hà Nội đứng thứ 2 cả nước (sau Thành phố Hồ Chí Minh); tính số mắc trên 100.000 dân thì Hà Nội đứng thứ 19 trong cả nước (đứng đầu là Đà Nẵng sau đó đến Bình Dương, Khánh Hòa và thành phố Hồ Chí Minh…).


Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: H.Hải

Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: H.Hải

Dịch bệnh tăng cao khiến các bệnh viện quá tải dù đưa ra chỉ định nhập viện chặt chẽ, nhất là tuyến Trung ương. Như tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khoa Truyền nhiễm BV Bạch Mai, các bác sĩ đều phải làm tăng cường, bắt đầu khám từ 7h-17h. Các bộ phận liên quan đến công tác khám bệnh phải làm việc thêm cả thứ 7, chủ nhật, phải nằm ghép 2 – 3 người/giường....

Theo nhận định trong thời gian tới số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố có thể tiếp tục gia tăng, do thời tiết mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều, muỗi phát triển mạnh.

PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương khuyến cáo người dân khi sốt cao nên đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán SXH. Trong 3 ngày đầu tuân thủ hướng dẫn hạ sốt của bác sĩ, theo dõi tại nhà, không nên cố xin nhập viện, chỉ khi nào xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo thì đến viện khám ngay để được chẩn đoán, điều trị.

Hà Tĩnh: Ổ dịch 24 người mắc bệnh

Chiều ngày 28/7, Bác sĩ Nguyễn Chí Thanh, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Tĩnh cho biết, tại xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã có 24 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH), tập trung chủ yếu ở thôn Nam Sơn với 21 người mắc.

Đáng lo ngại hơn, bệnh dịch đang có dấu hiệu lây lan sang vùng lân cận, có 2 người ở thôn Yên Định (xã Thịnh Lộc) vừa mới phát hiện đã nhiễm bệnh. Hiện đã có thêm một thôn trong xã Thịnh Lộc xuất hiện bệnh nhân có các dấu hiệu mắc SXH.

Các bệnh nhân mắc SXH đang được điều trị tại Bệnh viện ĐK tỉnh.
Các bệnh nhân mắc SXH đang được điều trị tại Bệnh viện ĐK tỉnh.

“Với thời tiết hiện nay, nắng mưa liên tục, rất thuận lợi cho muỗi phát triển, hơn nữa ở Thịnh Lộc có nguồn nước đọng rất nhiều, trong khi ý thức phòng bệnh còn kém. Cho đến thời điểm này, công tác tuyên truyền đã được tập trung đẩy mạnh nhưng nhiều người dân vẫn còn rất thờ ơ. Cán bộ y tế và cán bộ địa phương còn phải trực tiếp đến từng nhà lật úp các vật dụng chứa nước tù đọng…” - ông Phương cho biết thêm.

Tiến Hiệp

Vân Sơn - Hồng Hải