Hãi hùng chuyện… giấy ăn

"Giấy không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi. Nó chỉ chuyển từ giấy phế liệu, thậm chí rác thải thành… giấy ăn và vô vàn những sản phẩm... hiện đại khác".

Tại các cơ sở sản xuất giấy vệ sinh bây giờ, người ta hay đùa nhau như thế. Đó là cách phản ánh hiện thực nhất quy trình làm giấy hết sức bẩn thỉu, hỗn độn của hàng loạt các xưởng sản xuất mặt hàng này hiện nay.

 

Giấy ăn là tên gọi khác của thứ “giấy vệ sinh” thường được dùng trong những quán phở, quán cơm bụi… Mang tiếng là “giấy vệ sinh” thế nhưng bất cứ ai khi đã vào tận nơi làm ra thứ giấy này đều phải dựng tóc gáy, kinh hoàng với thứ giấy mình vẫn đang dùng hằng ngày.

 

Trên khắp các nẻo đường, từ mọi ngóc ngách trong thành phố, các nhà WC công cộng, rác bệnh viện, chất thải của các khu công nghiệp... giấy hay những phế phẩm có nguồn gốc từ giấy được cánh đồng nát thu gom về dưới đủ mọi hình thức từ bán, mua đến nhặt nhạnh tại các bãi rác khổng lồ ở ngoại thành khắp những đô thị lớn. Những mớ giấy lộn thập cẩm ấy được các thương lái gom về và cứ "nguyên đai nguyên kiện" đổ về nơi tái chế. Theo chân họ, chúng tôi đã lần tìm về "khu công nghiệp giấy lộn" có thể nói lớn nhất miền Bắc: Xã Phong Khê, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

 

Theo trưởng thôn Châm Khê, Lê Văn Hoàn thì sau hơn chục năm "sống trên rác" đến bây giờ dân ở khắp các thôn trong xã đã biết mùi thế nào là "... chết vùi trong rác". Môi trường trong xã đã và đang bị ô nhiễm rất nặng. Tái chế giấy từ giấy phế liệu bắt buộc phải sử dụng hoá chất (cơ bản là nước ja-vel, flo) nhưng vấn đề là toàn bộ những chất hoá học ấy đều được các cơ sở tống thẳng ra đồng theo quy luật "nước chảy chỗ trũng".

 

Con sông Ngũ Huyện Khê giờ đã ngừng chảy bởi gồng gánh trên mình vô số những rác thải. Những hôm trời nồm, theo Trưởng thôn Lê Văn Hoàn, không khí trong xã đặc quánh những mùi khó chịu. Bệnh tật ngoài da, bệnh đường hô hấp, tiêu hoá...  Những bệnh ấy chẳng kiêng kị bất cứ ai. Nam, phụ, ấu, lão đều mắc cả. Nguy hiểm hơn, vài năm gần đây, mầm mống căn bệnh ưng thư đã xuất hiện.

 

Hiện tượng này, tưởng đã kinh hoàng, nhưng lên thôn Dương Ổ, thì lại chẳng thấm vào đâu. Theo ông Nguyễn Văn Huệ, trưởng thôn Dương Ổ, với trên 130 cơ sở sản xuất giấy, trong đó có những xưởng lớn, một ngày cho ra lò vài tấn giấy thành phẩm tuyệt nhiên không có bất cứ hệ thống xử lý nước thải nào thì sự ô nhiễm là không hề tránh khỏi.

 

Không ít những cơ sở, vì lợi nhuận, đã sẵn sàng sản xuất hàng loạt sản phẩm theo những mẫu mã, thương hiệu đang nổi tiếng trên thị trường. Hỏi về sự an toàn khi sử dụng những sản phẩm trên, ai cũng khăng khăng đồ nhà mình là... "chất lượng như vàng trên toàn thế giới" và đặc biệt vô cùng vệ sinh.

Thế nhưng, hỏi lấy gì làm thước đo để khẳng định điều đó thì tất cả đều... chịu!

 

Theo Công an nhân dân