Hai anh em ruột cùng mắc sốt xuất huyết

(Dân trí) - Người anh phải nhập viện theo dõi sốt xuất huyết (SXH) nặng với các triệu chứng đau đầu, đau người, chân tay lạnh, chảy máu chân răng… Sau một ngày, em trai của bệnh nhân này cũng phải nhập viện với các dấu hiệu tương tự.

Mọi đối tượng đều có nguy cơ mắc SXH

TS.BS Đỗ Duy Cường, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, BVBM cho biết năm nay dịch SXH bùng phát với ca mắc nhiều hơn các năm. Tại miền Bắc dù đã bước vào tiết thu - đông nhưng số ca mắc chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Hiện tại khoa đang điều trị nội trú cho khoảng hơn 180 bệnh nhân, chủ yếu là mắc SXH.

TS Cường thăm khám cho một bệnh nhân bị SXH. Ảnh: Tú Anh
TS Cường thăm khám cho một bệnh nhân bị SXH. Ảnh: Tú Anh

Hầu hết bệnh nhân nhập viện sống tại các khu vực “nóng” của dịch SXH của Hà Nội như quận Hoàng Mai, Thanh Trì, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Đống Đa... Đây là nơi tập trung nhiều nhà trọ sinh viên, với điều kiện vệ sinh môi trường, nơi ăn chốn ở chưa được đảm bảo. Đặc biệt, năm nay do ảnh hưởng của El nino, thời tiết nóng ẩm kéo dài nên càng tạo điều kiện thuận lợi cho dịch phát triển. Các ca mắc SXH chủ yếu là người lớn ở nhiều độ tuổi khác nhau, trong đó bệnh nhân là thanh niên, nam giới rất nhiều.

Theo TS Cường, nhiều người Việt vẫn chủ quan, coi thường muỗi đốt nhưng trong mùa SXH như hiện nay, muỗi đốt rất nguy hiểm. Sức trai tuổi bẻ gãy sừng trâu cũng có thể bị một con muỗi vằn truyền SXH “quật ngã”, phải nằm viện nhiều ngày vì sốt, mệt mỏi, đau đầu, xuất huyết giảm tiểu cầu...

Tại khoa mới đây điều trị cho 2 bệnh nhân là anh em ruột trong cùng một gia đình đều mắc SXH. Đó là bệnh nhân N.Đ.A (19 tuổi, ở Trại Cá, Trương Định, Hà Nội) được chuyển đến khoa đêm ngày 18/11 trong tình trạng sốt cao liên tục 4-5 ngày, đau đầu, đau người, chân tay lạnh, chảy máu chân răng và chấm xuất huyết dưới da. Kết quả xét nghiệm vi rút Dengue dương tính, tiểu cầu hạ nên bệnh nhân được truyền dịch, bồi phụ nước và điện giải theo phác đồ điều trị SXHD của Bộ Y tế.

Đáng nói, sau khi N.Đ.A nhập viện được một ngày thì người em trai là N.Đ.Q, 14 tuổi cũng phải theo anh vào viện vì các triệu chứng SXH tương tự. Trước đó, cả hai anh em ruột này đều khỏe mạnh, hiếm khi đau ốm nhưng lần này, vì SXH khiến người mệt mỏi, đau nhức đến mức nằm bẹp một chỗ trong bệnh viện vài ngày mới dần bình phục.

Theo thống kê tại Bệnh viện Bạch Mai, số ca bệnh SXH Dengue nặng phải nhập viện điều trị nội trú tại tại Khoa Truyền nhiễm tính từ tháng 5/2015 đến nay là 412 ca (tăng gấp 10 lần so với cả năm 2014). Chỉ tính riêng trong 2 tháng 10 và nửa đầu tháng 11 năm nay số bệnh nhân SXH Dengue được điều trị tại khoa là 310 (chiếm 75% tổng số các ca), trong số đó nhiều ca nặng có biến chứng, tuy nhiên chưa có trường hợp nào tử vong.

Một trường hợp khác là thai phụ N.T.S ( 23 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) đang mai thai tháng thứ 8 cũng phải nhập viện vì SXH. SXH ở phụ nữ mang thai rất nguy hiểm, có thể gây suy thai hoặc đẻ non, thai chết lưu. Với người mẹ thì rất có thể bị chảy máu khó cầm, tiền sản giật, làm tổn thương đến chức năng gan, thận, chảy máu kéo dài khi chuyển dạ…

Cẩn trọng phòng muỗi đốt

BSCC Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng khoa Truyền nhiễm khuyến cáo mọi người cần ý thức phòng bệnh, tránh bị muỗi đốt. Không phải cứ muỗi đốt là là bị SXH, nhưng nếu trong cơ thể muỗi có mang vi rút SXH đốt người thì sẽ truyền bệnh SXH, gây những triệu chứng mệt mỏi, đau đầu, sốt cao, thậm chí giảm tiểu cầu nguy hiểm.


Muỗi vằn truyền bệnh SXH thường hoạt động mạnh vào sáng sớm và chiều tối. Vì thế cần lưu ý mặc áo dài tay, ngủ màn để phòng muỗi đốt.

Muỗi vằn truyền bệnh SXH thường hoạt động mạnh vào sáng sớm và chiều tối. Vì thế cần lưu ý mặc áo dài tay, ngủ màn để phòng muỗi đốt.

Đặc điểm của muỗi truyền bệnh SXH thường sống ở đô thị, gần người, trong nhà hoặc quanh nhà. Chúng hoạt động mạnh vào sáng sớm và buổi chiều tối. Nếu trong nhà có người bị SXH, người dân cần thực hiện ngay các biện pháp tránh bị muỗi đốt (như nằm màn, bôi kem chống muỗi, dùng nhang hoặc phun hoá chất diệt muỗi...), đồng thời vệ sinh môi trường, không để các vật dụng chứa nước đọng là nơi muỗi đẻ trứng.

Đa số bệnh SXH tự khỏi trong vòng 7 ngày, nhưng khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong. Vì thế, khi có dấu hiệu sốt đột ngột, đau nhức mỏi người… hãy đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, hướng dẫn điều trị.

Hồng Hải