Hà Nội: Xuất hiện ca bệnh não mô cầu, nhiều sinh viên phải cách ly
(Dân trí) - Một nữ sinh 18 tuổi sau 3 - 4 ngày sốt đã rơi vào hôn mê, được xác định nhiễm não mô cầu. 2 bạn học của nữ sinh này cũng đang bị sốt, hiện đang được cách ly, chờ kết quả xét nghiệm.
Ngày 30/11, nguồn tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân N.T.H.V (18 tuổi ở KTX trung tâm Nhật ngữ, đường Duy tân, Cầu giấy) nhập viện trước đó đã được chẩn đoán viêm màng não do mô cầu.
Trước thời điểm vào viện, bệnh nhân sốt 3-4 ngày, đau đầu rồi nhanh chóng rơi vào hôn mê. Đáng nói, mấy ngày đầu khi mới xuất hiện dấu hiệu sốt, đau đầu, bệnh nhân vẫn đi học bình thường, tiếp xúc với các bạn cùng lớp. Trong khi đó, não mô cầu là một bệnh lý lây truyền qua đường hô hấp, nên có thể lây cho bạn học.
Sau khi xuất hiện tình trạng hôn mê, bệnh nhân được đưa vào BV Nhiệt đới được chẩn đoán Viêm màng não do Não mô cầu. Sau khi bệnh nhân này sốt, có hai bạn học cũng xuất hiện dấu hiệu sốt, đau đầu đã được đưa vào bệnh viện khám, cách ly và chờ kết quả xét nghiệm. Đến hôm nay, nữ bệnh nhân đã tỉnh lại nhưng vẫn còn tình trạng đau đầu.
Được biết, tại Trung tâm Nhật ngữ này có khoảng 70 học viên, hiện đang được Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội tiến hành khử khuẩn tại trung tâm, giám sát chặt chẽ.
Theo TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng (Hà Nội), ngay khi nhận được thông tin báo về ca bệnh viêm não mô cầu điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã cử một đội đến các nơi ở, nơi học của học sinh này để xử lý dịch, điều tra dịch tễ, lập danh sách những người tiếp xúc gần với người bệnh.
Theo đó, hiện ngoài bệnh nhân và hai trường hợp được theo dõi tại viện, những người còn lại đều được hướng dẫn cách ly, đeo khẩu trang, theo dõi tại nhà. Với những trường hợp cần thiết sẽ được uống một liều kháng sinh dự phòng. Do bệnh nhân sống tại KTX, vẫn đi học khi có sốt nên số người tiếp xúc khá lớn, lượng người phải uống kháng sinh dự phòng đến vài chục người.
TS Cảm cho biết, viêm màng não mô cầu là bệnh lây qua đường hô hấp nhưng rất may, kháng sinh điều trị rất đặc hiệu với vi khuẩn này. Vì thế, phát hiện bệnh sớm, được dùng kháng sinh đúng chỉ định sẽ khống chế được bệnh.
Đây cũng là bệnh lý có xu hướng gia tăng trong mùa đông xuân. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh rải rác tại Hà Nội đều được phát hiện, điều trị kịp thời, xử lý ổ dịch tốt nên không có thêm ca mắc mới tại nơi có bệnh nhân.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), khi thấy biểu hiện sốt cao liên tục, đau đầu, bệnh nhân nên chủ động đi khám. Người có biểu hiện sốt, đau đầu cần chủ động đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng thường xuyên để phòng lây bệnh cho người khác.
Hồng Hải