Hà Nội xem xét "nới lỏng" giãn cách: Nên thực hiện như thế nào?

Minh Nhật

(Dân trí) - Theo chuyên gia, kế hoạch nới lỏng cần được xây dựng dựa trên đánh giá nguy cơ để có biện pháp phù hợp đến từng quận, huyện thậm chí là xã, phường, cụm dân cư.

Nhiều tín hiệu tích cực về tình hình dịch ở Hà Nội

Những ngày vừa qua, tình hình dịch ở Hà Nội có dấu hiệu "hạ nhiệt" khi số F0 ghi nhận mới hàng ngày ở mức thấp so với giai đoạn cao điểm trước đây, dao động trong khoảng 30 - 50 ca bệnh.

Những ổ dịch từng rất nóng như phường Thanh Xuân Trung; Kim Đồng, Giáp Bát; Văn Chương - Văn Miếu đều đã được khoanh vùng và cơ bản kiểm soát.

Hà Nội xem xét nới lỏng giãn cách: Nên thực hiện như thế nào? - 1

Khu vực phong tỏa tại phường Thanh Xuân Trung (Ảnh: Đỗ Linh).

Bên cạnh đó, Hà Nội đặt mục tiêu đến 15/9 thực hiện tiêm vắc xin cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên và xét nghiệm cho toàn bộ người dân trên địa bàn.

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 13/9, thành phố đã tiêm được 248.313 mũi vắc xin phòng Covid-19. Cộng dồn tới 18h30 ngày 13/9, toàn thành phố Hà Nội đã tiêm cho các đối tượng trong Nghị quyết 21 của Chính phủ và Phương án 170 của UBND thành phố Hà Nội được 4.728.739 mũi tiêm (mũi một: 4.325.619, mũi 2: 403.120), đạt tiến độ 80,6% trên tổng số vắc xin được cấp.

Hà Nội xem xét nới lỏng giãn cách: Nên thực hiện như thế nào? - 2

Hà Nội đặt mục tiêu đến 15/9 thực hiện tiêm vắc xin cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên (Ảnh minh họa: Đỗ Linh).

Về chiến dịch xét nghiệm, tính đến 18h ngày 13/9, toàn thành phố đã lấy được 2.700.150 mẫu, phát hiện 18 ca dương tính. Cụ thể, số mẫu gộp xét nghiệm PCR là 1.951.956 mẫu, có 518.931 mẫu âm tính và 13 mẫu dương tính, số còn lại đang chờ kết quả. Trong số 748.194 mẫu test nhanh kháng nguyên, có 46 mẫu dương tính, sau đó được lấy mẫu lại xét nghiệm PCR, kết quả có 5 ca dương tính.

Khó có thể áp dụng "bình thường mới" trên toàn địa bàn

"Diễn biến hiện tại về tình hình dịch ở thành phố Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, sau 21/9, việc có thể mở cửa trở lại theo mức "bình thường mới" trên toàn bộ địa bàn thành phố là khó xảy ra", đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, trong cuộc trao đổi với Dân trí.

Theo ông, kế hoạch nới lỏng các biện pháp giãn cách cần được xây dựng dựa trên đánh giá nguy cơ để có biện pháp nới lỏng phù hợp đến từng quận, huyện thậm chí là xã, phường, cụm dân cư.

Hà Nội xem xét nới lỏng giãn cách: Nên thực hiện như thế nào? - 3

Theo chuyên gia, những khu vực nguy cơ thấp nên được nới lỏng (Ảnh minh họa).

"Nếu sau 21/9, toàn thành phố được nới lỏng về mức chỉ thị 15 thì chưa có ý nghĩa nhiều và thiệt cho các vùng nguy cơ thấp, vùng xanh. Chúng ta đã xác định phân vùng theo nguy cơ thì việc nới lỏng các biện pháp giãn cách cũng cần linh hoạt cho từng vùng. Với những vùng nguy cơ thấp, rất thấp, đã giữ vững được vùng xanh trong thời gian dài thì nên giảm mức giãn cách xuống chỉ thị 19 hoặc thậm chí là trạng thái bình thường mới, để người dân có cơ hội lớn hơn trong việc khôi phục các hoạt động", PGS Hùng phân tích.

Hà Nội xem xét nới lỏng giãn cách: Nên thực hiện như thế nào? - 4

Tại những khu vực ổ dịch vẫn cần duy trì biện pháp chống dịch quyết liệt (Ảnh minh họa: Đỗ Linh).

Ngược lại ở những nơi đang có ổ dịch vẫn cần duy trì các biện pháp chống dịch quyết liệt. Tuy nhiên, cần thu hẹp phạm vi khu vực "vùng đỏ" phải siết chặt.

PGS Hùng nói: "Lấy ví dụ như ổ dịch tại phường Thanh Xuân Trung. Nếu siết chặt toàn bộ phường sẽ tác động lên một địa bàn rất lớn và rất nhiều người dân. Trong khi đó, qua quan sát diễn biến và các kết quả xét nghiệm đã thực hiện, có thể thấy các ca bệnh chỉ tập trung ở một số ngõ, khu tập thể và các nhà kề cận. Do đó, phải tính toán kỹ các khu vực vùng đỏ cần siết chặt, để hạn chế những ảnh hưởng không cần thiết đối với cuộc sống của người dân. Phạm vi khoanh vùng có thể sâu vào từng ngõ, xóm hay thậm chí là từng tầng nhà".

Những việc cần làm sau khi nới lỏng giãn cách

Sau khi nới lỏng giãn cách, theo PGS Hùng, Hà Nội cần phải thực hành mạnh hơn các nguyên tắc 5K. Vấn đề về mang khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách, khai báo y tế của người dân… cần được chính quyền tiếp tục tuyên truyền và giám sát chặt hơn.

Để ngăn mầm bệnh xâm nhập, Hà Nội cũng cần kiểm soát chặt người ra vào thành phố, nhất là với những người về từ vùng có dịch. "Đặc biệt cần siết chặt kiểm soát với người về từ những vùng dịch diễn biến phức tạp, có tỉ lệ mắc bệnh cao", PGS Hùng nói.

Hà Nội xem xét nới lỏng giãn cách: Nên thực hiện như thế nào? - 5

Theo chuyên gia, Hà Nội cần duy trì tốc độ tiêm chủng vắc xin mũi 2 (Ảnh minh họa: Đỗ Linh).

Một vấn đề khác, theo chuyên gia này, sau khi hoàn thành mục tiêu tiêm mũi một vắc xin Covid-19, thành phố cần phải duy trì tiến độ như hiện tại với tiêm vắc xin mũi 2 để sớm bao phủ vắc xin cho người dân. Từ đó, xây dựng các chính sách ưu tiên về đi lại cho người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 và người mắc bệnh đã hồi phục. Việc ưu tiên này không chỉ là di chuyển trong thành phố mà cả di chuyển ra các tỉnh, thành khác.

Thành phố cũng cần sớm xây dựng chiến lược xét nghiệm mới dựa trên kết quả của chiến dịch xét nghiệm diện rộng.

"Trước mắt, có thể thấy, tỷ lệ các ca bệnh được phát hiện qua xét nghiệm diện rộng tính đến nay là rất thấp và chủ yếu vẫn tập trung ở những khu vực nguy cơ cao, đã ghi nhận ổ dịch và ở những đối tượng ho sốt. Do đó, trong giai đoạn tới, theo tôi chỉ nên tập trung xét nghiệm ở những khu vực phong tỏa hoặc những đối tượng có nguy cơ cao, thường xuyên tiếp xúc với nhiều người như: shipper, bảo vệ, lực lượng chống dịch,… Đặc biệt là tăng cường giám sát với người ho, sốt và đẩy mạnh xét nghiệm ở nhóm này. Ngành y tế thành phố cần triển khai chương trình giám sát chủ động người ho sốt, đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa để người ho, sốt chủ động liên hệ với trung tâm y tế khi xuất hiện dấu hiệu triệu chứng nghi ngờ Covid-19", PGS Hùng nêu quan điểm.

Cuối cùng, dựa trên các nội dung chính đã đề cập ở trên, đặc biệt là căn cứ vào mức độ bao phủ vắc xin mũi 2 để xây dựng lộ trình mở cửa một phần tiến tới mở cửa toàn bộ kèm theo những nội dung người dân, doanh nghiệp có thể đi lại, sinh hoạt, kinh doanh, sản xuất… thật cụ thể tương ứng với từng mức độ mở cửa.

Hà Nội xem xét nới lỏng một số hoạt động sau 15/9

Thường trực Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố xem xét nới lỏng một số biện pháp phòng chống dịch và một số hoạt động dịch vụ sau ngày 15/9 và 21/9.

Thông tin nêu trên được Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong xác nhận với Dân trí vào tối 13/9.

Bên cạnh đó, trao đổi với Dân trí sáng 13/9, ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, thành phố đã thực hiện xét nghiệm diện rộng được khoảng 50% theo kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, Hà Nội đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chỉ còn "lác đác vài trường hợp" ngoài cộng đồng được phát hiện và số lượng ca mắc hàng ngày có dấu hiệu giảm.

Cũng theo ông Tuấn, nếu Hà Nội duy trì tốt tình trạng như hiện tại thì khả năng cao phía CDC sẽ đề xuất nới lỏng giãn cách. Tuy nhiên, các "vùng đỏ" thuộc địa bàn các quận, huyện sẽ tiếp tục phải phong tỏa chặt.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm