Hà Nội: Tất cả các quận huyện đều có người mắc tiêu chảy cấp

(Dân trí) - BS Tô Văn Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: Trong 2 - 3 ngày qua số lượng người nhập viện cấp ngày càng gia tăng, hiện đã có trên 60 bệnh phải nằm điều trị trong đó có 25 trường hợp dương tính, bệnh nhân lớn tuổi nhất đã 82 tuổi, một phụ nữ đang mang thai tháng thứ 3 cũng đang phải nằm điều trị.

Tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm do bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu chủ trì vào chiều ngày 2/11, Cục y tế dự phòng cho biết, tính đến thời điểm này đã có 50 trường hợp dương tính (tăng 17 trường hợp so với ngày hôm trước) và xuất hiện dịch ở tỉnh Thái Bình, nâng tổng số tỉnh có dịch lên 8 (Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Phú Thọ, Thái Bình). Riêng tại Hà Nội:  Tất cả các quận, huyện đã có người mắc và chiếm tỷ lệ bệnh nhân đông nhất là ở hai Quận Hoàng Mai và Hai Bà Trưng.

 

 

Tính đến thời điểm cuối ngày 2/11 Bộ đã xác nhận 273 ca (15 ca ở ngoại tỉnh) nhập viện do tiêu chảy cấp.

 

Trả lời câu hỏi của báo giới về việc ban hành phác đồ điều trị bệnh tả, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, khẳng định: Dịch bệnh được xác định từ nhiều nguyên nhân, để có câu trả lời chính xác cần có thêm thời gian và đó là nhiệm vụ của những cơ quan có chức năng. Bộ Y tế đã tính đến mọi khả năng bất thường trong đợt dịch này, trong đó có tính đến cả dịch tả.

Về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), ông Trần Đáng, Cục trưởng Cục VSATTP cho biết, qua kiểm tra một số nơi đã phát hiện thấy nguyên liệu làm mắm tôm được lấy chủ yếu ở Nghệ An, Hà Tĩnh và bước đầu xét nghiệm đều âm tính.

 

Hiện nay vấn đề VSATTP đang đặc biệt được quan tâm bởi nguyên nhân khiến bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy cấp không chỉ từ mắm tôm mà còn trong một số thực phẩm khác. Trong khi đó, đoàn kiểm tra VSATTP đã phát hiện 5 cơ sở phục vụ quốc hội cũng đã không đảm bảo VSATTP.

 

Ông Đáng còn chỉ ra rằng tại tỉnh Vĩnh Phúc, nơi đã phát dịch chưa quản lý chặt chẽ nguồn thải của bệnh nhân. Cụ thể là người ta đã không cách ly chất thải, thậm chí còn đổ ra ngoài đồng.

 

85% mắc tiêu chảy cấp đều do ăn mắm tôm

 

Bệnh nhân Lê Thị Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) đang điều trị tại bệnh viện Thanh Nhàn, cho biết: trưa 31/10, sau khi ăn bún đậu mắm tôm mua từ gánh rong, chị liền bị đau bụng, đi ngoài liên tục đến nỗi không kịp chạy, toàn nước trắng có bọt nhưng không có dịch nhầy và máu. Sau khoảng vài tiếng đi ngoài như vậy toàn thân chị mệt lả, bị chuột rút không đi nổi, người nhà phải cõng vào viện.

 

Khi nhập viện, chị Hà ở trong tìng trạng tụt huyết áp, mạch không kiểm soát được. Chị đã được các bác sĩ bổ sung 12 lít dịch truyền/ngày. Sau 2 ngày truyền dịch liên tục, hiện sức khoẻ chị đã ổn định và đã có thể ăn cháo do bệnh viện cung cấp.

 

Nguyên nhân mắc bệnh của hai mẹ con chị Lê Thị Nga (Quận Hai Bà Trưng) thì lại do ăn lòng lợn chấm mắm tôm ở ngoài hàng cách đây 3 hôm. Khoảng 6 tiếng sau khi ăn, cả hai mẹ con chị đều bị sôi bụng, đầy bụng, tiêu chảy vài lần. Đến đêm thì cả hai cùng bị nôn kèm theo đau bụng đi ngoài liên tục ra nước trắng đục. Chỉ sau 2 tiếng như vậy hai mẹ con chị đã mệt lả, mắt trũng sâu, môi khô… Hai mẹ con chị Nga cũng đã được tiếp dịch truyền với khối lượng lớn nhằm hồi phụ nước và điện giải. “3 trường hợp này đều bị mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm, nếu không kịp thời được điều trị, bổ sung nước kịp thời sẽ dẫn đến tử vong”, BS Hải cho hay.

 

Được biết, mỗi bệnh nhân bị mắc tiêu chảy cấp phải nhập viện thường được truyền khoảng 12 lít dịch truyền/ ngày. Thậm chí có bệnh nhân phải truyền đến 20 lít dịch truyền/ngày. Trung bình mỗi ca bệnh phải nằm điều trị từ 7 - 10 ngày.

 

Hiện, người nhà của những bệnh nhân nằm viện đều đã được uống thuốc dự phòng. Cán bộ Y tế xã, phường cũng đã làm công tác khử khuẩn nơi ở của các bệnh nhân.

 

Tại Bệnh viện Đống Đa, thời điểm này có 38 bệnh nhân đang nằm điều trị bệnh tiêu chảy, trong đó 15 ca được xác định dương tính. Còn tại Bệnh viện Xanh-pôn cũng đã tiếp nhận trên 50 bệnh nhân nhập viện.

 

Tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia hiện đã tiếp nhận trên 160 người tiêu chảy phải điều trị. Theo kết quả soi phân tươi của Viện, đã có 108 ca có kết quả dương tính từng điều trị ở đây.

 

Nhưng theo xét nghiệm sâu của Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, đến chiều 2/11, toàn miền Bắc có 50 ca bị tiêu chảy cấp nguy hiểm, trong đó 37 ca ở Hà Nội.

 

Bộ Y tế tăng cường kiểm tra VSATTP

 

Chiều tối 2/11 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã cùng đoàn kiểm tra liên ngành thành phố đi kiểm tra thực tế công tác giám, sát thực hiện VSATTP tại các xã, phường, trong đó có khu vực chợ Hôm - Đức Viên và một số tuyến đường xung quanh.

 

Ghi nhận chung của đoàn kiểm tra là những người bán hàng trong chợ Hôm - ĐứcViên  đã ý thức khá tốt vấn đề VSATTP, tất cả các hàng ăn trong chợ đều không còn sử dụng mắm tôm.

 

Qua kiểm tra một số quán thịt chó gần khu vực này đoàn kiểm tra cũng xác nhận thực tế lượng người ăn đã giảm đi đáng kể. Mắm tôm không còn được sử dụng mà thay vào đó là nước mắm hoặc gia vị chanh ớt.

 

Tuy nhiên vấn đề thực hiện VSATTP vẫn chưa được quán triệt, rau sống vẫn còn được sử dụng ở hầu hết các hàng, quán. Có một số quầy thịt chó bầy bán ngoài vỉa  hè khi thấy đoàn kiểm tra đến mới vội vã đem tủ kính ra che hàng.

 

Bộ trưởng đã nghiêm khắc nhắc nhở về ý thức giữ gìn vệ sinh thực phẩm đối với những quầy hàng chưa đạt yêu cầu về vấn đề che đậy thực phẩm, Bộ trưởng cũng đồng thời nhắc nhở các cửa hàng bán thực phẩm chín đặc biệt là các hàng bán thịt chó, lòng lợn luộc phải tuyệt đối giữ gìn VSATTP, không sử dụng mắm tôm, kể cả mắm tôm chưng, cho đến khi có quy định mới. 

 

Mắm tôm, mắm tép chưng cũng tạm ngừng sử dụng!

 

 

Hà Nội: Tất cả các quận huyện đều có người mắc tiêu chảy cấp - 1
 

 

Đó là ý kiến của ông Lê Anh Tuấn (ảnh), Giám đốc Sở Y tế Hà Nội xung quanh vấn đề quản lý nguồn thực phẩm có thể gây bệnh dịch.

 

Ông Lê Anh Tuấn cho biết: “Sáng nay đoàn kiểm tra ở quận Tây Hồ đã xác định đa phần là mắm tôm có bán ở Quận này đều là hàng trôi nổi không nguồn gốc. Tất cả số mắm tôm thu được đã được đem đi thu gom chờ tiêu hủy. Chiều nay tôi đã ký lệnh tịch thu tiêu huỷ tất cả các loại mắm tôm không xuất trình được giấy tờ nguồn gốc.

 

Kể cả những loại mắm tôm, mắm tép có nguồn gốc do các công ty sản xuất cũng không được phép bầy bán. Theo đó, các đoàn kiểm tra xã phường nếu tìm thấy loại mắm tôm này sẽ ghi biên bản và số lượng rồi giao lại cho chủ hàng chờ hướng dẫn”.

 

Ông Lê Anh Tuấn cũng nhấn mạnh vai trò nhận thức của người dân trong phòng chống dịch bệnh và khẳng định: “Trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục lan rông trên địa bàn thành phố, Sở Y tế có đủ khả năng “chiến đấu” bảo vệ người dân”. Đó là bởi hiện tất các ổ dịch phát hiện hoặc được thông báo đều đã có cán bộ y tế đến làm công tác khử khuẩn. Người dân sống gần ổ dịch hoặc người nhà bệnh nhân bị tiêu chảy cấp đều được uống thuốc dự phòng. Hiện nay, tất cả các bệnh nhân tiêu chảy cấo đều được nhận vào viện điều trị miễn phí, xe chở bệnh nhân cũng được khử khuẩn mỗi khi quay về. Tất cả các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô phải chuẩn bị giường giường cách ly để điều trị cho người mắc bệnh. Tất cả các bệnh viện đều có thể đáp ứng khi có thảm họa về y tế xảy ra. Thậm chí, đã có phương án dành cả một bệnh viện  cho việc điều trị bệnh nhân mắc dịch hoặc thành lập bệnh viện dã chiến.

 

P. Thanh (ghi)

 

P. Thanh - Lan Hương