Hà Nội ráo riết giám sát an toàn thực phẩm tại bếp ăn khu công nghiệp
(Dân trí) - Ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời gian qua, đơn vị này tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp.
Theo đó, các đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã tập trung tăng cường kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đơn vị cung cấp các suất ăn cho công nhân.
Kết quả, các đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã tiến hành đánh giá thực trạng an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại 96 bếp ăn tập thể, trong đó 60 bếp tại khu công nghiệp; 36 bếp tại cụm cộng nghiệp và 30 cơ sở cung cấp thực phẩm.
Ngoài ra, đoàn cũng kiểm tra được 710 cơ sở cung cấp nguyên liệu chế biến cho bếp ăn tập thể.
Theo kết quả kiểm tra giám sát, 100% cơ sở tại 4 khu công nghiệp đã xuất trình đầy đủ giấy tờ; 52/60 bếp ăn tập thể xuất trình sổ kiểm thực 3 bước chỉ còn 8 bếp chưa đúng quy định.
Về lưu mẫu thức ăn, 58/60 cơ sở lưu mẫu thức ăn đúng quy định; Còn lại 2/60 cơ sở không đúng quy định, không niêm phong mẫu, lượng mẫu lưu chưa đủ theo quy định.
Các cơ sở đều bố trí khu vực chế biến riêng biệt, cách xa nguồn ô nhiễm, phân khu riêng biệt giữa thực phẩm sống và chín...
56/60 cơ sở đảm bảo theo quy định về hệ thống cống trong khu vực chế biến. Còn lại 4/60 cơ sở chưa đảm bảo (cống hở, vệ sinh chưa sạch sẽ.
Kết quả lấy mẫu xét nghiệm nhanh 474/548 mẫu (tỷ lệ đạt 86,5%); Lấy mẫu xét nghiệm tại Labo kết quả 110 mẫu, trong đó 107 mẫu đạt (97,3%), 3 mẫu không đạt (2,7%).
Kết quả kiểm tra truy xuất nguồn gốc các nhà cung cấp rau củ, giò chả, bún, bánh phở, thịt lợn và gia súc gia cầm, đa số cơ sở cung cấp có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm, thực phẩm.
Tuy nhiên, một số đơn vị mới chỉ thể hiện được nguồn gốc thực phẩm trên hóa đơn, chứng từ, chưa truy xuất được nguồn gốc đến tận vùng trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt.
Ông Cương cho biết, hiện Hà Nội có 76.807 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, trong đó ngành y tế quản lý 41.632 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố, trong đó bếp ăn tập thể 5.159 bếp.
"Qua công tác kiểm tra, ý thức phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được nâng cao hơn", ông Cương nhận định..
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng chỉ ra thực trạng, một số công ty còn chưa thực hiện thường xuyên công tác truy xuất nguồn gốc định kỳ và đột xuất tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm thực phẩm cung cấp nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm cho bếp ăn tập thể.
Một số cơ sở vệ sinh trang thiết bị và dụng cụ ăn uống còn chưa đảm bảo sạch sẽ, cơ sở vật chất bắt đầu xuống cấp nhưng chưa được bổ sung sửa chữa kịp thời.
Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể khu công nghiệp, chế xuất; tăng cường tuyên truyền phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở, lãnh đạo quản lý và người tham gia chế biến thực phẩm; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể.