1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hà Nội: Nhiều quận vẫn là điểm nóng của dịch

(Dân trí) - “Ngay tại Hà Nội, dù đã tiến hành xử lý môi trường, khoanh vùng dịch nhưng vẫn tiếp tục xuất hiện bệnh nhân mới. Điều đó cho thấy nếu không xử lý triệt để, dịch tiêu chảy cấp có thể bùng phát bất cứ lúc nào”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cảnh báo.

Mắc bệnh từ thói quen

 

Theo báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch tiêu chảy cấp chiều 21/11, các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Đống Đa (Hà Nội) vẫn là điểm nóng về tả. Ngày 19/11 có 18 trường hợp tiêu chảy cấp nhập Viện truyền nhiễm các bệnh nhiệt đới, trong đó có 2 bệnh nhân dương tính với khuẩn tả, một ở phố Khâm Thiên và một ở tập thể A2 Khương Thượng.

 

Còn tại khoa Truyền nhiễm BV Bạch Mai, ngày 19/11 có thêm một bệnh nhân 25 tuổi ở Định Công (Hà Nội) nhập viện. Tiếp đó, ngày 20/11 thêm một bệnh nhân đến từ quận Hoàng Mai.

 

Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn yêu cầu Hà Nội cần lấy mẫu nước sinh hoạt, mẫu rau, nước thải tại các khu vực có bệnh nhân dương tính mới để xét nghiệm. Đồng thời đề nghị Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cần thực hiện nghiêm ngặt các quy trình phòng chống dịch trọng điểm ở 3 quận này.

 

Không chỉ tại Hà Nội, một số tỉnh như, Hà Tây, Thái Bình cũng xuất hiện thêm các ca nhiễm phẩy khuẩn tả mới. Cụ thể ở Thái Bình bệnh nhân là một bé trai 3 tuổi ở Thuỵ Xuân – Thái Thuỵ và một phụ nữ 49 tuổi ở Kiến Xương. Còn tại Hà Tây, nơi được đánh giá là dịch tiêu chảy cấp vẫn diễn biến phức tạp khi tiếp tục có thêm nhiều bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp. Trong đó có một cụ ông 91 tuổi nhiễm khuẩn phẩy tả sau khi dự một đám cỗ và có ăn 2 nhánh rau kinh giới sống. Bệnh nhân còn lại là một phụ nữ. Tuy chưa điều tra rõ dịch tễ trường hợp này nhưng người phụ nữ này là hàng xóm của một gia đình đã có người mắc bệnh tiêu chảy cấp.

 

Nguy cơ bùng phát dịch từ rau sống

 

Hà Tây nơi được coi là “điểm nóng” của dịch tả vì nhiều xã trong tỉnh người dân có thói quen dùng phân tươi để tưới rau. “Đây sẽ là nguồn lây bệnh cực lớn nếu phân của người bệnh có khuẩn phẩy tả không được xử lý. Hơn nữa, Hà Tây là nguồn rau cung cấp cho Thủ đô. Như vậy nguy cơ nhiếm bệnh là rất cao với những người thích ăn rau sống”, ông Huấn cảnh báo.

Đáng nói là tập quán dùng phân tươi tưới rau không chỉ có ở Hà Tây, mà một số tỉnh khác người dân cũng có tập quán này.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch tiêu chảy cấp, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ quốc gia tỏ ra lo ngại khi đưa ra kết quả xét nghiệm mới nhất mẫu nước tại kênh chảy qua thôn Lũng Kênh, Hoài Đức. Kết quả cho thấy lại thêm một mẫu nước trên con kênh này dương tính với phẩy khuẩn tả. “Cái khó là chúng ta không thể chặn được nguồn nước thải từ các gia đình xuống kênh. Cũng không thể chặn dòng chảy của con kênh này vì nó là hệ thống tưới tiêu của cả 2 huyện Đan Phượng, Hoài Đức. Như vậy, khả năng vi khuẩn phát tán từ nguồn nước kênh là rất lớn”, ông Hiển lo lắng.

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn nhận định, trong một vài tuần tới, dịch sẽ giảm. Trên thực tế, trong 3 ngày qua, số lượng bệnh nhân đã giảm, chỉ có mới 7 - 8 trường hợp bệnh nhân tả mới. Nhưng nguy cơ ở chỗ vẫn xuất hiện bệnh nhân mới ở những vùng tưởng đã được xử lý triệt để. “Nếu vẫn xuất hiện bệnh nhân mới dù rải rác thì dịch có thể sẽ lại bùng phát. Do vậy, vấn đề quan trọng nhất vẫn là tập trung dập dịch ngay khi phát hiện thêm bệnh nhân mới. Đồng thời phải tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch”, ông Huấn nhấn mạnh.

 

Hồng Hải