Hà Nội: Nhiều nguồn nước ăn không đảm bảo

(Dân trí) - Kết quả các các mẫu lấy từ nguồn nước máy ở khu vực các khu vực Thanh Trì, Thanh Xuân, Pháp Vân, Hoàng Mai, Mỹ Đình 1,2… đều có hàm lượng asen, amoni cao hơn mức cho phép cả chục lần.

Vượt ngưỡng hàng chục lần

Mẫu nước do gia đình anh Nguyễn Hồng Sơn (Thanh Oai - Thanh Trì - Hà Nội) gửi đến có mức nhiễm asen cao gấp 10 lần so với tiêu chuẩn. Nồng độ amoni trong mẫu nước gấp 14 lần; mẫu nước tại một số hộ dân ở phường Giáp Bát, Lĩnh Nam có mức nhiễm asen và amoni gấp 5 - 12 lần; mẫu nước tại Từ Liêm còn bị nhiễm mangan gấp 10 lần giới hạn….

TS Nguyễn Thị Nhung, Trưởng phòng Phân tích hoá quang phổ,Viện địa chất - Viện Khoa học công nghệ VN, cho biết: "Những mẫu xét nghiệm đều do các hộ dân cư ở sinh sống ở nhiều khu vực thuộc Hà Nội gửi đến".

Báo cáo tổng hợp do Viện Công nghệ sinh học cũng cho kết quả tương tự. Nặng nhất là các hộ dùng nước nhà máy Pháp Vân với hàm lượng amoni vượt 10 - 40 lần mức cho phép 1,5 mg/l. Các nhà máy Hạ Đình, Tương Mai có mức nhiễm gấp 5 - 13 lần cho phép. Hàm lượng asen từ nước máy Pháp Vân, Hạ Đình cao gấp 2 - 5 lần mức giới hạn...

Theo TS Trần Văn Nhị Viện Công nghệ sinh học xét khi tiến hành xét nghiệm các mẫu nước bằng công nghệ quang phổ hoặc bằng chất thử nestle và griss sẽ dễ dàng phát hiện chính xác mẫu nước đó nhiễm độc ở mức độ nào. Các kết quả xét nghiệm trong nhiều năm nay được tiến hành tại Viện có thể thấy nguồn nước máy ở nhiều khu vực trên địa bàn thành phố Hà Nội không đảm bảo chất lượng theo quy định, hàm lượng asen và amoni tồn tại trong thành phần của nước sinh hoạt quá cao.

Theo báo cáo từ Bộ Tài Nguyên & Môi trường, một số địa phương thuộc Hà Nội có nguồn nước ngầm bị nhiễm các chất asen, amoni lớn hơn 40% mức cho phép.

Các chuyên gia trong lĩnh vực y tế cảnh báo, nếu bị nhiễm độc asen dù ở mức độ thấp nhưng trong thời gian dài cũng sẽ gây  mệt mỏi , da sạm, rụng tóc, sút cân, giảm trí nhớ, đau mắt, đau tai, viêm dạ dày và ruột…

Ảnh hưởng độc hại đáng lo ngại nhất của asen tới sức khoẻ là khả năng gây đột biến gen, ung thư, thiếu máu, các bệnh tim mạch, ung thư... 

Amoni bản chất không độc nhưng trong quá trình khai thác, xử lý và lưu trữ nước, nó chuyển hóa thành nitrat (NO2-) và nitrit (NO3-). Những chất này hấp thu vào cơ thể sẽ kết hợp với các axit amin trong thực phẩm làm thành một họ chất nitrosamin, nguyên nhân gây bệnh ung thư.

Vẫn nhức nhối vấn đề nước nhiễm độc

Nguyên nhân chính của tình trạng trên là việc sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu, hóa chất thực vật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước. Quá trình phân hủy của các hợp chất hữu cơ ngay trong tầng chứa nước cũng làm ô nhiễm nguồn nước ngầm. Vì vậy, vùng đông dân cư thì nước ngầm càng dễ bị nhiễm độc. Tong khi người dân nội thành đang dùng gần 800.000 m3 nước/ngày, đêm.

Từ nhiều năm nay, biện pháp đưa ra nhằm khắc phục tình trạng nước không đảm bảo an toàn là phải thay thế toàn bộ nguồn nước ngầm bằng mặt từ sông Hồng và sông Đà. Nhưng các dự án này vẫn chưa thể triển khai.

Mới đây nhất, theo quy hoạch đã được Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt từ nay đến năm 2020, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Miếu Môn - Xuân Mai - Hòa Lạc - Sơn Tây sử dụng nguồn nước sông Đà với Nhà máy Nước mặt sông Đà 300.000m3/ngày đêm giai đoạn I, 600.000 m3 /ngày đêm giai đoạn II. Hệ thống cấp nước vùng phía bắc sông Hồng sử dụng nguồn nước sông Hồng hoặc sông Đuống.

Báo cáo từ Bộ Tài nguyên & Môi trường cho thấy, đến đầu  quý I/09 mới chỉ có 15,1% dân cư nông thôn thuộc TP. Hà Nội được cung cấp cấp nước sinh hoạt, từ đây hệ thống cấp nước sạch. Số còn lại đa số vẫn sử dụng nguồn nước giếng khoan.

P. Thanh