Hà Nội: Một người bị chó nhà cắn gần đứt rời bàn chân
(Dân trí) - Bệnh nhân bị chó cắn gần đứt rời bàn chân phải. Ngoài ra, con chó còn cào xé nhiều vết trên người bệnh nhân.
Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, vừa qua cơ sở y tế này đã tiếp nhận một bệnh nhân bị chó nhà cắn, đến tiêm vaccine và huyết thanh phòng bệnh dại.
Qua khai thác, cách thời điểm đến bệnh viện 3 ngày, bệnh nhân bị chó nhà cắn đứt rời bàn chân phải. Ngoài ra, con chó còn cào xé nhiều vết trên người bệnh nhân.
Sau khi bị chó tấn công, bệnh nhân đã được đưa vào cơ sở y tế cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Trước đó, một bé gái 8 tuổi ở Sơn Tây, Hà Nội cũng bất ngờ bị một con chó thả rông không rọ mõm lao vào tấn công, dẫn đến vành tai bị tổn thương nặng.
TS.BS Đỗ Bá Hưng, Khoa Tai Thần kinh, Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương cho biết: "Vành tai phải của bệnh nhi đã bị đứt rời một phần gờ luân, bờ nham nhở dài khoảng 3cm, lộ sụn vành tai.
Kíp mổ đã tiến hành loại bỏ một phần sụn, cắt lọc phần mép vết thương nham nhở và khâu tạo hình vết rách vành tai.
May mắn là tổn thương không sâu hơn vào các tổ chức trong tai và bệnh nhân được đưa đến bệnh viện sớm để xử lý".
Theo chuyên gia, vết thương do chó cắn được xếp vào nhóm vết thương nhiễm khuẩn. Vì răng của động vật chứa rất nhiều vi khuẩn đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh, nên việc xử trí sẽ khó khăn hơn và tiên lượng cũng dè dặt hơn.
Bên cạnh việc phẫu thuật, xử trí vết thương còn cần điều trị dự phòng là tiêm chủng uốn ván, phòng dại.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dại gây nên. Bệnh lây truyền do virus dại xâm nhập qua các vết cắn, vết cào của động vật đã mắc bệnh.
Sau khi xâm nhập vào cơ thể virus dại gây tổn thương trên hệ thần kinh trung ương ở một số loài động vật như các loại dơi, chuột, dê, cừu, trâu, bò... đặc biệt là loài chó. Hiện nay chưa có biện pháp điều trị cho người mắc bệnh dại. Khi người bệnh đã lên cơn dại tỷ lệ tử vong là 100%.
Vì vậy, người dân cần hiểu rõ về bệnh dại và nguy cơ sau khi mắc bệnh. Nếu nuôi chó phải nhốt, không được thả rông, khi ra đường phải có rọ mõm, có người trông. Tiêm phòng và quản lý tốt chó đang nuôi tại khu vực cụm dân cư.
Những người bị chó mèo nghi dại cắn cần chủ động đi tiêm phòng dại ngay, càng sớm càng tốt.
Bệnh dại hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất trên thế giới, cũng như tại Việt Nam. Hàng năm thế giới ghi nhận trung bình 60.000 ca tử vong.
Việt Nam có luật Thú y quy định chó nuôi không được thả rông ngoài đường, khi ra đường thì phải đeo rọ mõm. Tuy nhiên, ở nước ta người dân không tuân thủ. Vì thế, việc người bị chó cắn thường xuyên xảy ra, như thế nguy cơ bị chó dại cắn cũng tăng lên.
Bên cạnh đó, nhiều người có tâm lý chủ quan bị chó cắn nhưng không đi tiêm vaccine phòng dại vì nghĩ con chó đó không sao. Đến khi, người đó lên cơn dại thì đã không kịp, không thể chữa được.
Không thả rông chó mèo, phải rọ mõm chó mèo khi cho ra đường; không đùa nghịch, trêu chó mèo. Thực hiện diệt ngay chó và động vật lên cơn dại hoặc nghi mắc dại trong khu vực ổ dịch.