Hà Nội: Lên phương án 8.000 giường điều trị Covid-19, xét nghiệm diện rộng
(Dân trí) - Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, hiện tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa có xu hướng giảm, chưa rõ nguồn lây.
Hơn 200 người khai báo triệu chứng nghi ngờ trong một ngày
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 8/8, có 237 người dân trên địa bàn thành phố có triệu chứng ho, sốt,… đã tự khai báo y tế. Các trường hợp này phân bố ở nhiều quận huyện như: Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Ba Đình, Tây Hồ, Hoài Đức, Chương Mỹ, Hoàn Kiếm…
Một số trường hợp khai báo có liên quan đến các địa điểm có yếu tố dịch tễ Covid-19 theo thông báo của chính quyền như: siêu thị VinMart, chợ Đồng Xa (Mai Dịch, Cầu Giấy), chợ Ngọc Hà (Ba Đình), chợ Linh Lang (Ba Đình)...
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, từ danh sách khai báo này, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội sẽ chuyển cho các quận huyện để tổ chức lấy mẫu và giám sát tại cộng đồng ngay trong ngày hôm nay.
"Hà Nội vẫn đang thực hiện giám sát các trường hợp ho, sốt tại cộng đồng thường xuyên, liên tục hàng ngày. Tuy nhiên, trong danh sách cũng có một số người khai bị trùng lặp, có những người không bị ho sốt nhưng khai báo có ho sốt nên phải mất thời gian để sàng lọc", Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội tiếp tục phát đi thông báo khẩn đề nghị tất cả người dân trên địa bàn, khi có một trong các biểu hiện như: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường/xã nơi cư trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh Covid-19.
Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho 300.000 người
Tại cuộc họp vào chiều 8/8, BS Đào Hữu Thân, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội) nhận định, hiện tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa có xu hướng giảm, chưa rõ nguồn lây.
Đáng chú ý, theo số liệu tổng hợp, đặc điểm các ca bệnh ghi nhận trong 3 tuần gần đây như sau:
634/1369 ca bệnh (46%) được phát hiện ngay khi thực hiện xét nghiệm tại cộng đồng (xét nghiệm lần một) ở thôn Thọ Am (Liên Ninh, Thanh Trì), ổ dịch tại tổ dân phố Hoa Vôi (Quốc Oai), ổ dịch tại chợ Phùng (Phùng Xá, Thạch Thất) hầu hết các bệnh nhân đều sống tại thôn và có tiếp xúc.
Theo kế hoạch, trong 7 ngày từ 10-17/8, lực lượng chức năng sẽ tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho những đối tượng nguy cơ cao và khu vực nguy cơ cao.
Mục tiêu xét nghiệm lần này nhằm phát hiện sớm người mắc bệnh trong các khu vực nguy cơ cao, các nhóm nguy cơ cao, dễ mắc bệnh và lây lan bệnh để chống dịch kịp thời và đánh giá nhận định tình hình dịch trên địa bàn toàn thành phố. Đồng thời, đảm bảo giãn cách, không tụ tập đông người, không lây lan dịch bệnh trong khi thực hiện lấy mẫu.
Đối tượng lấy mẫu bao gồm: người đang sinh sống tại các khu vực nguy cơ cao (thôn, xóm, tổ dân phố, cụm dân phố), nơi có nhiều bệnh nhân, nhiều ổ dịch, mật độ dân cư lớn, giao lưu đi lại nhiều có nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Nhóm người có nguy cơ cao dễ mắc bệnh và làm lây lan dịch bệnh: người làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa, bán hàng ở chợ, siêu thị, vận chuyển phân phối các mặt hàng thiết yếu, người làm dịch vụ vệ sinh công cộng, lái xe taxi, công nhân các khu công nghiệp…
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cùng với các quận, huyện đánh giá nguy cơ ở các địa bàn chia theo 3 khu vực: khu vực đỏ (nguy cơ cao nhất trong vùng phong tỏa), khu vực vàng (nguy cơ cao) và khu vực khác (có nguy cơ).
Dự kiến số lượng mẫu khu vực nguy cơ là 186.000, số lượng người nguy cơ là 114.000, tổng số lượng mẫu từng đơn vị là 300.000.
Việc tổ chức thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 dựa vào lực lượng y tế sẵn có trên địa bàn, đồng thời huy động thêm gần 1.000 sinh viên Trường Cao đẳng Y Hà Nội tham gia hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm.
Ban hành phương án 8.000 giường điều trị bệnh nhân Covid-19
Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Phương án số 182 "Đáp ứng 8.000 giường điều trị người bệnh Covid-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch trong tình huống có 40.000 người bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố".
Mục đích của phương án là bố trí các bệnh viện bảo đảm đủ điều kiện để sẵn sàng thu dung, điều trị cho 8.000 người bệnh mắc Covid-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch, phù hợp với tình hình dịch bệnh; đồng thời sử dụng nguồn lực hợp lý, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả trong công tác thu dung, điều trị Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Việc phân loại người bệnh theo mức độ bệnh căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 3416 ngày 14/7 về việc hướng dẫn, chẩn đoán và điều trị Covid-19. Theo đó, 80% bệnh nhân không có triệu chứng; khoảng 20% bệnh nhân mức độ vừa, nặng và nguy kịch; 5% bệnh nhân cần điều trị hồi sức tích cực. Do vậy, với trường hợp 40.000 người bệnh mắc Covid-19 sẽ có 8.000 người bệnh có triệu chứng mức độ vừa và nặng (6.000 mức độ vừa, 2.000 mức độ nặng và nguy kịch).
Phương án sẽ được triển khai theo 3 giai đoạn:
Giai đoạn đáp ứng 2.000 giường bệnh điều trị người bệnh Covid-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch (tình huống 10.000 ca mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố).
Giai đoạn đáp ứng 4.000 giường bệnh điều trị người mắc Covid-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch (tình huống 20.000 ca mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố).
Giai đoạn đáp ứng 8.000 giường bệnh điều trị người bệnh Covid-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch (tình huống 40.000 ca mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố).