Hà Nội: Khẩu trang “vô chủ” bủa vây đường phố giữa mùa dịch Covid-19

(Dân trí) - Gần như là ở bất kì nơi đâu, từ ngõ nhỏ cho đến đường lớn; từ khuôn viên trường học cho đến quán ăn… chúng ta đều có thể bắt gặp những chiếc khẩu trang y tế bị chủ nhân tiện tay vứt bỏ.

“Khẩu trang đi muôn nơi”, đó là cụm từ mà nhiều người dùng để nói về các tỉnh thành trên cả nước những ngày đầu năm mới, khi Covid-19 bắt đầu trở thành một dịch bệnh khiến thế giới e ngại. Lúc bấy giờ, người người, nhà nhà đồng loạt đeo khẩu trang, dù đang chạy xe, đi bộ hay mua sắm trong các trung tâm thương mại, để phòng dịch. “Khẩu trang đi muôn nơi” trở thành một hình ảnh đẹp về ý thức phòng bệnh của người dân Việt.

Vào thời điểm hiện nay, khi người dân đã sống chung với dịch được 2 tháng, trên những góc phố, chúng ta lại thấy một thực trạng, cũng có thể gọi với cái tên “khẩu trang đi muôn nơi” nhưng theo chiều hướng tiêu cực.

Hà Nội: Khẩu trang “vô chủ” bủa vây đường phố giữa mùa dịch Covid-19 - 1

Gần như là ở bất kì nơi đâu, từ ngõ nhỏ cho đến đường lớn; từ khuôn viên trường học cho đến quán ăn… chúng ta đều có thể bắt gặp những chiếc khẩu trang y tế bị chủ nhân tiện tay vứt bỏ.

Hà Nội: Khẩu trang “vô chủ” bủa vây đường phố giữa mùa dịch Covid-19 - 2

Chiếc khẩu trang có lẽ vừa bị người người chủ tiện tay vứt bỏ ngay tại chỗ ngồi.

Trên thực tế, một chiếc khẩu trang có đến 2 công dụng chính: Bảo vệ người đeo trước các yếu tố nguy cơ từ bên ngoài (bụi bặm, mầm bệnh); bảo vệ chính cộng đồng bằng cách hạn chế khả năng phát tán vi khuẩn, virus trong trường hợp người đeo không may bị nhiễm bệnh.

Hà Nội: Khẩu trang “vô chủ” bủa vây đường phố giữa mùa dịch Covid-19 - 3

Những chiếc khẩu trang "vô chủ" hiện diện từ đường lớn đến ngõ nhỏ.

Tuy nhiên, không ít người dân lại thường chỉ biết đến mục đích thứ nhất của chiếc khẩu trang, hay đáng lên án hơn là dù biết cả 2 nhưng với tâm lý vị kỷ, suy nghĩ “sống chết mặc bay” nên dễ dàng vứt bỏ khẩu trang ở ngay nơi công cộng, mà không bận tâm đến việc nó có thể tiềm ẩn mối nguy hiểm cho cộng đồng, nhất là trong lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

Hà Nội: Khẩu trang “vô chủ” bủa vây đường phố giữa mùa dịch Covid-19 - 4

Một chiếc khẩu trang nằm trơ trọi trên đường đi bộ quanh hồ, ngay gần khu vực Bệnh viện Nhi Trung ương.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, virus corona mới có thể tồn tại tại trên các bề mặt lên đến 9 tiếng. Mặt trong của khẩu trang y tế có đặc tính hấp thụ những giọt dịch khi chúng ta trò chuyện, ho hoặc hắt hơi. Vì vậy, bề mặt này sẽ chính là một “ổ virus” nếu người đeo không may bị bệnh.

Hà Nội: Khẩu trang “vô chủ” bủa vây đường phố giữa mùa dịch Covid-19 - 5

Với vấn đề này, WHO cũng đã đưa ra khuyến cáo: Khẩu trang y tế sau khi sử dụng cần vứt bỏ vào thùng rác có nắp đậy, để bảo vệ cộng đồng.

Hà Nội: Khẩu trang “vô chủ” bủa vây đường phố giữa mùa dịch Covid-19 - 6

Loại rác tiềm ẩn nhiều rủi ro với sức khỏe "bủa vây" trường học.

Những chiếc khẩu trang “vô chủ” trên đường phố là một hình ảnh rất đáng quan ngại, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại ở Việt Nam, từ sau khi chúng ta xác định bệnh nhân thứ 17.  

Hà Nội: Khẩu trang “vô chủ” bủa vây đường phố giữa mùa dịch Covid-19 - 7

Càng đáng ngại hơn khi khẩu trang bị vứt bỏ ở ngay những khu vực tập trung đông người như: quán ăn, khu vui chơi, điểm tham quan, trường học, bệnh viện.

Hà Nội: Khẩu trang “vô chủ” bủa vây đường phố giữa mùa dịch Covid-19 - 8

Khẩu trang bị vứt bỏ ngay gần khu vực các quán ăn vỉa hè.

Trước thực trạng này, Bộ Y tế cũng đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an: Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi vứt, thải bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định. Theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, hành vi hành vi vứt bừa bãi khẩu trang y tế đã sử dụng ra ngoài môi trường, vỉa hè... hoàn toàn có thể bị phạt số tiền lên đến 7 triệu đồng.

Hà Nội: Khẩu trang “vô chủ” bủa vây đường phố giữa mùa dịch Covid-19 - 9

Hình ảnh xấu xí không đáng có ở một điểm đến của khách du lịch năm châu như phố cổ.

Minh Nhật