1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hà Nội: Đối mặt với bệnh dịch và nước bẩn

(Dân trí)- “Sau đợt lũ lụt, những nơi nước bị nhiễm bẩn, ngành y tế đã cấp hoá chất và hướng dẫn dân cách tự tạo nước sạch. Cơ số thuốc vắc xin thương hàn, thuôc phòng chống bệnh đau mắt đỏ, nấm kẽ chân đã được chuẩn bị để tiêm và cấp phát miễn phí”.

Ông Lê Anh Tuấn (ảnh), Giám đốc Sở Y tế cho biết chiều ngày 4/11.

 

Thưa ông, người dân Hà Nội, đặc biệt là khu vực Đan Phượng - Hà Nội đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong thời điểm hiện nay, đặc biệt là vấn đề nước sạch. Đã có biện pháp cấp bách nào giải quyết vấn đề này chưa?

 

Hiện trên toàn thành phố còn khoảng 100 điểm ngập lụt nặng. Đã có 6 đoàn kiểm tra của Sở Y tế tiếp tục xuống các địa điểm trọng yếu, hướng dẫn người dân xử lý môi trường sau mưa lũ. Tại những vùng ngập sâu, nguồn nước tại chỗ bị ô nhiễm do nước bẩn, cán bộ y tế đã hướng dẫn cách tự tạo nước sạch như sau: Lấy nước tại chỗ đánh phèn chua, để lắng sau 30 - 60 phút rồi đổ một Clomin B đã pha loãng (trong một bát nước) để khử khuẩn. Tỷ lệ pha Clomin B là 15g/m3 nước. Nước này đã đủ sạch và người dân có thể yên tâm dùng. Tuy nhiên phải lưu ý ăn chín, uống sôi.

 

Từ 3/11, các địa phương bị ngập lụt nặng đã tiến hành phát Clomin B cho người dân để tạo nước sạch sinh hoạt cũng như khử khuẩn môi trường.

 

Có đảm bảo đủ Clomin B để phát cho toàn bộ người dân ở vùng ngập lụt?

 

Trong kho của Bộ Y tế vẫn còn khoảng 50 tấn hoá chất này. Riêng Hà Nội đã được cấp 20 tấn Clomin B, nên không lo thiếu.

Hà Nội: Đối mặt với bệnh dịch và nước bẩn - 1
Người Hà Nội đang phải sống chung với nước bẩn.
 

Những bệnh dịch như: Tả, lỵ, thương hàn, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ và nấm ăn chân... là những bệnh dịch luôn đi sau những đợt mưa lụt. Ngành y tế đã chuẩn bị dự phòng cho những vấn đề này?

 

Hiện 1 triệu tuýp thuốc phòng đau mắt và cơ số thuốc chống nấm ăn chân đã được chuẩn bị sẵn sàng để phát xuống cho người dân ở những vùng nguy cơ. Hiện TT Y tế dự phòng thành phố Hà Nội đang tiến hành điều tra dịch tễ để chuẩn bị cho người dân tiêm vắc - xin phòng bệnh thương hàn và uống vắc xin tả miễn phí ở vùng có nguy cơ cao bị dịch bệnh. 1.400 liều vắc xin thương hàn đã được lên kế hoạch triển khai tiêm dự phòng cho dân.

 

Sốt xuất huyết là bệnh dịch rất dễ xảy ra sau lũ lụt bởi đây là môi trường lý tưởng cho muỗi sinh đẻ. Vì vậy, sau khi nước rút, người dân cần phát quang bụi rậm, giải quyết nước tù, đọng không để môi trường cho muỗi sinh sản.

 

Cũng để phòng chống bệnh dịch. Ngành Y tế đã huy động học sinh của 2 trường Cao Đẳng Y tế Hà Nội, Hà Đông tham gia tuyên truyền phát tờ rơi, hướng dẫn người dân phòng chống dịch bệnh.

 

Rác thải hối thối đang hiện diện khắp nơi. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh dịch... Ngành Y tế đang phối hợp với công ty môi trường. Theo đó, rác thải sẽ được phun hoá chất khử khuẩn sau đó công ty mới tiến hành thu gom.

 

Nhiều người dân ở vùng lụt đang rất lo ngại việc rác thải rắn, lỏng ở các bệnh viện đã hoà lẫn vào khu vực bị mưa ngập hiện nay?

 

Trong mấy ngày mưa lớn, rác thải rắn (bơm, kim tiêm, bệnh phẩm, bông, băng...) ở các bệnh viện, kể cả những nơi bị ngập nặng vẫn được thu gom theo quy định và vẫn tiến hành tiêu huỷ tại lò đốt nên không thể tràn ra ngoài được. Nước thải tại một số bệnh chảy viện đã chảy theo hệ thống xử lý trước khi ra bên ngoài. Tuy nhiên, theo quy hoạch của Bộ Y tế, nhiều bệnh viện, trong đó có cả bệnh viện T.Ư sẽ phải làm lại hệ thống nước thải.

 

Xin cảm ơn ông!

 

P. Thanh (thực hiện)