H7N9 lây truyền từ gia cầm sang người như thế nào?
(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tìm thấy những bằng chứng mới về nguồn gốc của vi-rút cúm H7N9 và cũng phát hiện ra một chủng vi-rút cúm mới trong đàn gia cầm có khả năng lây nhiễm sang động vật có vú.
Vi-rút cúm H7N9 dưới kính hiển vi điện tử
Nghiên cứu mới cho thấy vi-rút H7N9 rất có thể có nguồn gốc từ các loài chim di cư. Đồng thời, các nhà khoa học phát hiện ra một chủng vi-rút chưa từng được biết đến, gọi là H7N7. Chủng vi-rút này đã lây bệnh cho các con chồn sương – loài vật thường được đem làm vật mẫu cho việc nghiên cứu sự lây nhiễm cúm ở người. Nó không gây chết người nhưng vẫn là một mối nguy hiểm đối với con người.
Vi-rút cúm được đặt tên theo các protein của chúng – “H” là hemagglutinin và “N” là neuraminidase. Cả vi-rút H7N9 và H7N7 đều thuộc nhóm vi-rút H7.
Nhà nghiên cứu Yi Guan đến từ Trung tâm Nghiên cứu Cúm tập trung tại Hồng Kông cho biết có lẽ các chủng vi-rút khác giống như H7N7 đang tồn tại trong quần thể gia cầm ở Trung Quốc. Nước này chiếm khoảng 65% số lượng vịt trên thế giới và nhiều khu chợ gia cầm sống - nơi mà việc tiếp xúc giữa người và gà rất phổ biến.
Ông Guan cho biết nhiều chủng vi-rút cúm không gây ra các triệu chứng đối với con người. Chúng lây lan trong đàn gia cầm rồi bùng phát trong một hoặc hai năm. Tuy nhiên, vi-rút cúm nhóm H7 vẫn tồn tại dai dẳng và thường phát triển thành các dạng thức mới.
Để tìm kiếm nguồn gốc của H7N9, các nhà nghiên cứu đã thu thập hàng ngàn mẫu vật từ 6 loài gia cầm nội địa trong khu vực đông nam Trung Quốc là gà, vịt, chim cút, ngỗng, chim bồ câu và gà gô. Họ đã sắp xếp trình tự các hệ gen của chủng vi-rút này và công bố kết quả vào hôm 22/8 trên Tạp chí Nature.
Ông Guan cho biết điều đáng ngạc nhiên nhất mà nhóm nghiên cứu phát hiện là cách thức vi-rút cúm lây lan. “Nếu chủng vi-rút này vẫn tiếp tục lây truyền trong đàn gia cầm thì chúng có thể ngày càng trở nên thích ứng và lây nhiễm dễ dàng hơn đối với con người”, ông nói.
Các nhà nghiên cứu cho biết vi-rút cúm thường xuyên biến đổi khi chúng lây truyền giữa các cá thể và các loài. Khi H7N9 lây lan từ các loài chim di cư sang các loài gia cầm trong nước, nó đã trao đổi gen với các loại cúm khác. Đó chính là điều khiến cho H7N9 có khả năng lây nhiễm sang người.
Một biến đổi quan trọng của chủng vi-rút này là việc thay đổi protein của nó để có thể xâm nhập vào các tế bào trong đường hô hấp trên của gà. Nhiều chủng vi-rút cúm tồn tại trong ruột của gà nhưng chúng không lây lan qua không khí. Tuy nhiên, một khi vi-rút lây nhiễm đường hô hấp trên của gà thì những người tiếp xúc gần với loài động vật này có nhiều khả năng bị nhiễm bệnh.
Vincent Racaniello, giáo sư vi trùng học và miễn dịch học đến từ ĐH Columbia ở New York nhấn mạnh rằng số ca tử vong do H7N9 khiến cho chủng vi-rút này trở nên rất đáng lo ngại. Đồng thời, một điều quan trọng mà chúng ta phải nhớ là không phải tất cả các trường hợp nhiễm bệnh đều được báo cáo. Nói cách khác, có thể có nhiều người bị nhiễm mà không có triệu chứng hoặc không ốm nặng đến mức phải nhập viện.
Hùng Cường
Theo livescience