Guot và nguy cơ viêm thận

(Dân trí) - Quá nhiều nồng độ uric acid trong máu là nguyên nhân gây bệnh gout. Nhưng một số người bị gout vẫn tẩm bổ bằng thức ăn chứa nhiều hợp chất piurin như phủ tạng động vật, nấm, thịt chó… không những làm bệnh gout trở nên nặng hơn mà còn có thể gây biến chứng sỏi thận.

GS.TS Trần Ngọc Ân, chủ tịch Hội thấp khớp Việt Nam cho biết, khi ăn quá nhiều thức ăn có hàm lượng piurin cao sẽ khiến nồng độ uric acid tăng trong máu. Nồng độ uric acid tăng tất yếu sẽ hình thành các tinh thể và làm cho bệnh gout  phát sinh. Không những thế, tinh thể uric acid còn có thể tích tụ ở thận và gây ra sỏi thận, lắng đọng ở thận gây viêm thận.

Vì thế những người bị bệnh này không nên ăn quá 150g thịt/ngày, đặc biệt không nên ăn hoặc ăn nhiều phủ tạng động vật (lòng lợn, tiết canh, gan, thận, óc, dạ dày, lưỡi…); các loại thịt đỏ (thịt chó, dê, trâu, bê); các loại hải sản (tôm, cua, cá béo); đậu hạt các loại, nấm khô, sôcôla…

 

Bệnh nhân cần bỏ rượu, thậm chí cả rượu vang, rượu thuốc. Bệnh nhân mắc chứng béo phì cần áp dụng chế độ ăn giảm mỡ, giảm kalo.

 

Hàng ngày cần ăn thêm rau, quả để bổ sung nguồn vitamin B và C. Uống nhiều nước để có thể bài tiết qua đường nước tiểu chất piurin có hại.

 

Khi buồn tiểu, không nên nhịn tiểu lâu. Thường xuyên nhịn tiểu sẽ rất có hại cho thận, đặc biệt khi đang ở trong tình trạng bị gout.

 

Bệnh gút thường gặp ở nam giới lứa tuổi trung niên hoặc ở những người béo, tăng cholesterol, đường huyết hay kèm theo bệnh mỡ máu... Cũng có trường hợp bị bệnh gout sau khi sử dụng một loại thuốc nào đó (như dùng thuốc lợi tiểu hay một số thuốc gây huỷ hoại tế bào máu).

 

Bị gout, giai đoạn đầu viêm biểu hiện viêm khớp một cách đột ngột, có thể tối hôm trước vẫn đi bình thường, nửa đêm về sáng khớp đã bị sưng vù, nóng đỏ, bệnh nhân đau rất dữ dội, đến mức không đi lại được.

 

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm