GS.TS Lê Trung Hải: "Nghề thầy thuốc là nghề phải học cả đời"
Nhận được nhiều giải thưởng lớn về y khoa, đảm nhận những chức vụ quan trọng trong các hội đồng khoa học của đất nước,… những điều đó đủ đề nói lên tài năng và sự uyên bác của GS.TS Lê Trung Hải. Thế nhưng, ở tuổi 60, ông vẫn luôn khẳng định: “Nghề thầy thuốc là nghề phải học cả đời”.
Gia đình 2 tướng, 3 tiến sĩ và 3 giải thưởng Hồ Chí Minh
Nhắc đến gia đình GS.TS Lê Trung Hải là phải nói đến kỳ tích: ba đời từ ông bà, bố mẹ đến các con đều là bác sĩ quân y; trong đó có đến 2 thiếu tướng, 3 tiến sĩ y khoa và từng đạt 3 giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ. Nếu như ông cùng cha - GS.TSKH Lê Thế Trung là những chuyên gia đầu ngành về ngoại khoa (đặc biệt trong lĩnh vực ghép tạng và điều trị ung thư) thì PGS.TS Phan Việt Nga - vợ ông, lại là Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh tại một trong những bệnh viện quân y lớn nhất nước - viện 103. Hai con trai của bác sĩ Hải, người từng là thủ khoa Học viện Quân y, người thì đang nỗ lực nắm bắt kỹ thuật y học mới. Truyền thống của “gia đình quân y” này dường như đang được tiếp nối ngày một mạnh mẽ hơn.
Nhưng không vì truyền thống ấy mà con đường vào nghề của những thành viên trong gia đình bớt gập ghềnh. Tốt nghiệp trường y, bệnh viện đầu tiên mà bác sĩ Hải có mặt là… mặt trận biên giới. Chia sẻ với phóng viên, giọng ông bỗng chùng xuống, những ký ức của gần bốn thập kỷ trước (năm 1981) như không hẹn mà về: vừa lên tới trận địa, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt người lính trẻ là thi thể bốn chiến sĩ đặc công hi sinh, đang được phủ vải để khâm liệm.
Nhưng chẳng có nhiều thời gian mà xúc động, trận chiến lại bắt đầu, thương binh được cáng về nhiều vô kể. Ròng rã có khi đến hai ba ngày, những người lính quân y như bác sĩ Hải phải “chiến đấu” trên bàn mổ, giành giật sự sống cho từng sinh mạng giữa chiến tranh. Bài học kinh nghiệm đầu đời với chàng bác sĩ “xương máu” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Nhưng cũng từ trận chiến ấy, “trái ngọt” đầu tiên trên con đường khoa học của ông đã thành hình, đó là báo cáo “Nhận xét công tác xử trí thương binh tại bình độ X”. Báo cáo này sau đó được chọn giới thiệu tại hội nghị toàn quân. Từ dấu mốc ấy đến nay, sau gần 40 năm, bác sĩ Hải đã có thêm hàng trăm bài báo khoa học, hàng chục cuốn sách và là đồng tác giả của “Cụm công trình ghép tạng” nhận giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005. Đó là một bước tiến lớn nhưng bền bỉ và lặng thầm của người thầy thuốc quân y này.
Chưa bao giờ ngừng học
Ở tuổi 60, nhiều người đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi tuổi già, nhưng bác sĩ Hải vẫn say sưa với những chân trời y khoa mới. Ông đang chủ nhiệm một đề tài cấp bộ về điều trị ung thư gan, đồng thời hướng dẫn và chấm luận án cho hơn 15 nghiên cứu sinh tiến sĩ từ đầu năm đến nay. Những lúc không đi điểm bệnh hay chủ trì hội chẩn, vị giáo sư y học lại cần mẫn với chồng bệnh án trong căn phòng nhỏ tại Bệnh viện Đa khoa Hà Nội.
Lại nói đến “điểm dừng chân mới” này, bác sĩ Hải cho biết ông thích cái tên “Hà Nội” bởi đây là nơi ông đã sinh ra và lớn lên. Trở thành Tổng Giám đốc của viện chưa lâu (từ giữa năm nay - PV), nhưng người bác sĩ này đã mạnh mẽ thực hiện nhiều cải tổ về nhân lực, trang thiết bị,… với mong muốn xây dựng “một bệnh viện xứng danh Hà Nội”, “thực sự là bệnh viện gia đình”.
Từng tham gia đội ngũ lãnh đạo của một trong những bệnh viện hàng đầu Việt Nam - viện 103, nhưng bác sĩ Lê Trung Hải không hề xem nhẹ trọng trách của bản thân tại Bệnh viện Đa khoa Hà Nội. Chia sẻ với phóng viên, ông cho biết: “Đây là viện tư, nhỏ thôi nhưng cũng sẽ có nhiều cái khó riêng của nó. Mình phải xây dựng đội ngũ y bác sĩ, tạo ra nét riêng về phát triển chuyên môn, ngoài ra phải quan tâm đến vấn đề hạch toán, truyền thông,… Có cái vốn là thế mạnh, nhưng cái nào không phải thì mình làm và học hỏi, rút kinh nghiệm dần dần. Quan trọng là luôn cập nhật các tiến bộ mới để làm tốt chăm sóc sức khỏe cho người bệnh”.
Vẫn học ở tuổi 60 - đó là tinh thần của một thầy thuốc chân chính, cũng là lý do cho sự tiến bộ của y học nước nhà mà GS.BS Lê Trung Hải là một phần không thể thiếu.