Glucosamin không có tác dụng gì với sụn khớp?

(Dân trí) - Thoái hóa khớp là một bệnh gây đau và hiện chưa có loại thuốc nào được chứng minh là hiệu quả. Vì thế nhiều bệnh nhân tìm đến những thực phẩm chức năng như glucosamin với hy vọng sẽ chặn đứng được tổn thương ở sụn khớp.

Glucosamin không có tác dụng gì với sụn khớp?



Ở Mỹ cứ 10 người lớn thì có hơn một người sử dụng sản phẩm này và doanh số toàn cầu đã vượt quá con số 2 tỷ đô la vào năm 2010, khiến đây trở thành một thị trường rất màu mỡ.

Đã có nhiều nghiên cứu xác định liệu glucosamine có hiệu quả không, với những kết quả mâu thuẫn nhau và bị ảnh hưởng bởi những sai số trong các thử nghiệm được sự tài trợ của các công ty.

Phần lớn các nghiên cứu trước đây cũng dựa trên chụp X quang để đánh giá sự thay đổi cấu trúc sụn khớp, thay vì sử chụp chụp cộng hưởng từ (MRI), là phương pháp nhạy hơn có thể trực tiếp cho thấy những thay đổi đối với sụn và những phát hiện đặc hiệu như tổn thương tủy xương dưới lớp sụn, thường đi kèm với tiến triển của bệnh và đau.

Do đó, nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Arizona, Mỹ đã tiến hành thử nghiệm trên 201 người bị thoái hóa khớp gối, cho họ uống mỗi ngày 1.500 mg glucosamin hydrochlorid (Regenasure) hoặc giả dược trong 24 tuần, và sử dụng MRI để đánh giá tổn thương sụn.

Kết quả cho thấy ở những người bị đau khớp gối mạn tính, việc uống bổ sung glucosamin hàng ngày không làm giảm thoái hóa sụn khớp và không làm giảm đau.

Xét nghiệm chất CTX-II trong nước tiểu, một dấu hiệu của thoái hóa sụn cũng cho thấy không có sự khác biệt đáng kể giữa hai nhóm, mặc dù có sự cải thiện chút ít ở nhóm dùng giả dược.

“Nghiên cứu của chúng tôi không tìm thấy bằng chứng là việc uống bổ sung glucosamin làm giảm tổn thương sụn khớp, giảm đau hoặc cải thiện chức năng ở những người bị đau khớp mạn tính”, các nhà nghiên cứu cho biết

“Chất này không có tác dụng gì. Có những bệnh nhân thấy giảm đau khi dùng glucosamin, vì glucosamin là một loại đường mà đường thì có tác dụng giảm đau đối với một số người”.

Những hạn chế của nghiên cứu bao gồm tỷ lệ bỏ cuộc cao hơn ở nhóm giả dược (16,5% so với 5,1%) và mức độ thoái hóa sụn rất ít.

Ngoài ra, phần lớn các nghiên cứu trước đây sử dụng dạng viên nén glucosamin sulfat, trong khi nghiên cứu này sử dụng dạng nước uống chứa glucosamin hydrochlorid.

Cẩm Tú

Tổng hợp