1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Giúp nhà hàng xóm sửa nhà tốc mái sau bão, người đàn ông ngã nguy kịch

Hồng Hải

(Dân trí) - Thấy nhà cụ hàng xóm đã 80 tuổi bị tốc mái sau bão Yagi, người đàn ông 67 tuổi ở Bắc Giang đã giúp sửa chữa, không may ngã xuống đất, vỡ đại tràng nguy kịch.

 Nhiều ca cấp cứu hậu bão Yagi

Ngày 9/9, Bệnh viện Việt Đức cho biết, hậu bão Yagi, số ca cấp cứu liên quan đến mưa bão được chuyển đến viện tăng mạnh, đa phần chuyển từ bệnh viện tuyến tỉnh chuyển lên.

TS.BS Quách Văn Kiên, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức cho biết, trong ngày 8/9, Bệnh viện tiếp nhận 180 ca cấp cứu, thì có đến 74 ca liên quan hậu mưa bão, do người dân sửa nhà bị tốc mái; chặt dọn cây đổ sau mưa bão, trơn trợt bị ngã... trong đó, có những ca chấn thương sọ não, vỡ đại tràng nguy kịch.

Giúp nhà hàng xóm sửa nhà tốc mái sau bão, người đàn ông ngã nguy kịch - 1

Các ca tai nạn hậu bão Yagi phải nhập viện cấp cứu tăng lên, trong đó liên quan nhiều đến việc sửa chữa mái nhà tốc sau bão; dọn dẹp cây xanh bị đổ sau bão (Ảnh: K.N).

"Số ca liên quan mưa bão gấp 5 lần so với ngày xảy ra bão (7/9), phần lớn đều chuyển từ tuyến dưới lên. Ở tuyến dưới cũng trong tình trạng quá tải, nhưng vì di chuyển khó khăn nên không thể chuyển bệnh nhân. Các trường hợp phần lớn liên quan đến khắc phục, xử lý sự cố sau bão lũ.

Như trường hợp người đàn ông 67 tuổi ở Bắc Giang giúp hàng xóm sửa mái nhà bị tốc sau bão đã bị ngã từ cao xuống.

"Tai nạn xảy ra chiều 7/9, nhưng do mưa bão đi lại khó khăn, đến trưa 8/8, bệnh nhân mới được đưa đến Bệnh viện Việt Đức. Bệnh nhân được mổ ngay sau đó, nhưng tình trạng vỡ đại tràng gây nhiễm khuẩn, nguy kịch. Bệnh nhân  hiện vẫn thở máy", bác sĩ điều trị thông tin.

Hay có trường hợp người đàn ông khi dọn dẹp cây đổ sau bão, lưỡi cưa văng vào chân gây chấn thương nghiêm trọng.

TS Kiên cho biết, dù số bệnh nhân nặng cấp cứu tăng lên, nhưng từ trước bão Yagi, Bệnh viện Việt Đức đã chủ động bố trí nhân lực túc trực sẵn sàng ứng cứu bệnh nhân nên kịp thời cấp cứu, điều trị cho người bệnh. Công tác điều trị, phẫu thuật cho người bệnh khác vẫn diễn ra bình thường.

Giúp nhà hàng xóm sửa nhà tốc mái sau bão, người đàn ông ngã nguy kịch - 2

Số ca nhập viện cấp cứu sau bão Yagi tăng lên, phần lớn được chuyển từ bệnh viện tuyến dưới lên (Ảnh: K.N).

Theo đó, Bệnh viện đã chủ động, rà soát vật tư y tế, cơ sở vật chất; thành lập 8 tổ cấp cứu lưu động, túc trực sẵn sàng lên đường, kể cả cấp cứu ngoại viện.

"Như liên quan vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ), ngay khi cứu được 3 nạn nhân đầu tiên, Bệnh viện Việt Đức đã hội chẩn với Trung tâm Y tế huyện Tam Nông về tình trạng, điều trị cho 3 nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ).

Hiện cả 3 bệnh nhân đều ổn định. Trường hợp nam bệnh nhân 40 tuổi, đi xe máy trên cầu, ngã rơi xuống nước do cầu sập, trôi xuôi dòng về Hưng Hóa, dạt vào bờ được người dân vớt lên là nặng nhất, nhưng hiện đã ổn định. Bệnh nhân không cần phải chuyển lên tuyến trên.

"Bệnh viện sẽ đảm bảo đường truyền telemedicine được kết nối thông suốt giữa Bệnh viện Việt Đức với các điểm cầu tại Phú Thọ: Trung tâm Y tế huyện Tam Nông, Trung tâm Y tế Lâm Thao, Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Phú Thọ, … để kịp thời hội chẩn tư vấn, hỗ trợ xử trí qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa", lãnh đạo bệnh viện cho biết.

Quá tải vì phải giữ bệnh nhân tránh bão

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình 1 cho biết, khoa cũng trong tình trạng quá tải.

Sáng 9/9, khoa có gần 130 bệnh nhân, tăng 150% so với số giường có thể tiếp nhận được, nhân viên phải xếp giường cáng kín lối đi hành lang tại khoa.

Giúp nhà hàng xóm sửa nhà tốc mái sau bão, người đàn ông ngã nguy kịch - 3

Dù quá tải, bệnh nhân phải nằm tràn hành lang, nhưng các bác sĩ vẫn quyết giữ người bệnh để họ an toàn trong bão lũ (Ảnh: K.N).

"Quá tải nghiêm trọng, là do tôi không cho bệnh nhân ra viện trong 2 ngày cuối tuần vừa rồi. Vẫn biết với số người bệnh đông như vậy, gia đình và bệnh nhân rất dễ bức xúc, trong khi nhân viên y tế rất vất vả khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Nhưng cho người bệnh ra viện trong lúc trước, trong và sau bão thì đi đường rất nguy hiểm, chưa kể tìm thuê được xe là rất khó khăn, chi phí lại tăng cao. Nếu không về được thì gia đình lại phải thuê chỗ nghỉ tạm rồi thì ăn uống, chăm sóc trong mấy ngày mưa bão thế nào…", PGS Khánh chia sẻ.

Vì vậy, trong 2 ngày cuối tuần, bác sĩ quyết định cho bệnh nhân nằm lại trong khoa, dù có hơi chật chội nhưng người bệnh vẫn được chăm sóc y tế đầy đủ, ngày 3 bữa cơm ấm nóng phục vụ tại giường, mọi người cùng nhau vui vẻ chia sẻ khó khăn…

Trong ngày 9/9, khoa đã tiến hành rà soát, những bệnh nhân ổn định, có thể di chuyển thuận lợi về nhà được xuất viện.