Giúp bệnh nhân ung thư tìm lại cảm xúc yêu
Mắc bệnh ung thư không có nghĩa là người bệnh không còn khả năng và nhu cầu tình dục. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân ung thư đều gặp phải những khó khăn về tình dục, có thể tạm thời hoặc lâu dài.
Ung thư thì phải kiêng... tình dục?
Không ít bệnh nhân ung thư mặc nhiên chịu “thúc thủ” trước đời sống tình dục, cả trong ý nghĩ lẫn thực tiễn. Mối bận tâm duy nhất và lớn nhất của họ là tập trung xử lý khủng hoảng có tên ung thư. Thực ra chính việc xử lý khủng hoảng tình dục là một trong những thực hành cần thiết góp phần làm tốt hơn chất lượng cuộc sống của người mắc bệnh ung thư.
Tiếp xúc bệnh nhân ung thư cổ tử cung đã được phẫu thuật cắt tử cung toàn phần và hoàn tất những phác đồ điều trị, khi bác sĩ hỏi: “Lâu nay chị có quan hệ tình dục?”, đa số bệnh nhân đều thở dài buồn bã: “Còn gì nữa đâu, bác sĩ!”. Điều này cho thấy, nhiều bệnh nhân ung thư không có kiến thức về bệnh ung thư và tình dục, số đông thì buông xuôi chuyện tình dục hoặc không còn thiết tha chuyện ấy nữa từ trong suy nghĩ.
Cách nhìn và cảm nhận đời sống khác đi khi bị ung thư là điều không thể chối cãi. Bệnh nhân sẽ mất tự tin, mất tự chủ, không thể kiểm soát được cuộc sống. Một số bệnh nhân dằn vặt rằng chính cuộc sống tình dục trước đây của mình đã gây ra ung thư, một số khác cảm thấy cơ thể mình bị tàn phế vì bệnh ung thư...
Không phải ai mắc bệnh ung thư cũng sẽ có những thay đổi về ham muốn hay cảm nhận về tình dục. Không ít người nói rằng họ muốn thử lại, dò hỏi cách thức và những khó khăn có thể gặp phải, hay thậm chí muốn quan hệ tình dục như bình thường.
Vì mỗi người đều khác biệt, không thể nói chính xác được ung thư sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tình dục và đời sống tình dục. Vả lại, có rất nhiều loại ung thư và nhiều phương pháp điều trị có những mức độ ảnh hưởng khác nhau. Khoảng 30-40% bệnh nhân và những người sống sót của tất cả các loại ung thư báo cáo có những phản ứng phụ làm ức chế cuộc sống tình dục của họ.
Một số phương pháp điều trị ung thư gây ra thay đổi ở các cơ quan sinh dục, vì thế cũng làm thay đổi cả đời sống tình dục. Một số người đàn ông không thể có và giữ được sự cương cứng sau điều trị ung thư tuyến tiền liệt, ung thư dương vật hoặc ung thư cả hai bên tinh hoàn. Một số phương pháp điều trị có thể làm giảm khoái cảm của đàn ông hoặc làm cho nó trở nên cạn kiệt. Một số phụ nữ thấy rằng việc sinh hoạt tình dục khó khăn hơn, hoặc thậm chí còn làm họ đau đớn sau điều trị ung thư. Ở đàn ông, quá trình điều trị ung thư tiền liệt tuyến thường sử dụng liệu pháp ức chế hormon nên bệnh nhân phải chịu đựng cảnh bị suy giảm ham muốn và gặp khó khăn về cương dương.
Tìm nguyên nhân để đối phó
Rõ ràng những thay đổi đời sống tình dục do bệnh ung thư và các phương pháp điều trị gây ra là có thể xử lý được nếu có một sự nỗ lực và kiên trì từ nhiều phía: thầy thuốc, bệnh nhân và người thân. Quan trọng nhất trong tình huống này là bệnh nhân cần có một chuyên gia tư vấn và trị liệu để xác định nguyên nhân và cách đối phó. Những nguyên nhân đó là:
Ung thư làm thay đổi cơ thể: Bệnh nhân bị cắt bỏ vú, tử cung, âm đạo, âm hộ, tinh hoàn, dương vật..., sẹo do phẫu thuật, mang hậu môn nhân tạo, ống thông bàng quang; rụng tóc do hóa trị, sụt cân, tăng cân... Một số thay đổi trên đây có thể là tạm thời. Tóc của bạn sẽ mọc lại sau khi kết thúc hóa trị. Tình trạng cân nặng sẽ ổn định khi điều trị xong...
Ung thư và điều trị ung thư có thể gây ra: đau đớn, rối loạn tiêu hóa, tiểu tiện, viêm loét miệng, khó thở, thay đổi hormon sinh dục, mệt mỏi, cáu gắt, buồn chán hoặc trầm cảm, lo lắng, căng thẳng...
Bệnh nhân mất hết cảm hứng tình dục một khi gặp phải các tác dụng phụ của việc điều trị nêu trên hay rối loạn cảm xúc, cảm giác kém hấp dẫn, không còn chút năng lượng nào để quan tâm chăm sóc bản thân như trước đây. Những vấn đề này sẽ được cải thiện khi các triệu chứng được kiểm soát tốt hơn hay một khi kết thúc điều trị.
Người đã điều trị khỏi bệnh ung thư sẽ có đời sống tình dục bình thường
Nhiều nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng những người điều trị khỏi bệnh ung thư sẽ có đời sống tình dục hoàn toàn bình thường, giống như những người cùng tuổi khác. Việc từng mắc bệnh ung thư không hề ảnh hưởng đến cuộc sống tình dục của họ. Tuy nhiên, đối với những người đã điều trị khỏi bệnh ung thư, khoảng 20% phụ nữ và 33% nam giới không hài lòng với đời sống tình dục.
Nếu quá trình điều trị ung thư không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, thể trạng vẫn ổn định thì vấn đề quan hệ tình dục nên diễn ra bình thường. Chỉ đặc biệt lưu ý là không nên quá sức và gắng sức, cần giữ ở mức vừa phải phù hợp với sức khỏe. Những lúc này, người bạn đời của bệnh nhân có một vai trò rất quan trọng, ngoài sự sẻ chia thì một tình yêu thực sự sẽ là liều thuốc vô giá cho người bệnh ung thư tìm lại cảm xúc tình dục tốt nhất.
Theo BS Tâm Anh (Sức khoẻ & Đời sống)