Giun đất có tác dụng gì mà được thương lái ồ ạt thu mua?

Nam Phương

(Dân trí) - Thời gian gần đây, thương lái ồ ạt thu mua giun đất với giá cao. Điều này khiến việc kích điện bắt giun đất diễn ra rầm rộ ở nhiều tỉnh, thành.

Theo đó, giun đất được rao bán với giá dao động 950.000 đến 1 triệu đồng mỗi kg. Chuyên gia cảnh báo việc tận thu, tận diệt giun đất như vậy là hành động ác độc đối với hệ sinh thái tự nhiên, gây ra nhiều hậu quả nặng nề.

TS.Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam, cho biết, hầu hết chúng ta đều biết giun đất có vai trò rất quan trọng trong nông nghiệp, làm tơi xốp đất. Phân giun đất là thứ phân bón sạch, rất tốt cho cây trồng.

Giun đất còn là phương tiện xử lí rác làm sạch môi trường. Giun đất có thể làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Giun đất có tác dụng gì mà được thương lái ồ ạt thu mua? - 1

Thông tin thu mua giun đất tràn lan trên các hội nhóm (Ảnh chụp màn hình).

Giun đất là loài động vật ruột khoang (phân bộ Lumbricina), sinh sống ở trong lòng đất, đặc biệt là ở những vùng đất xốp, mát mẻ và ẩm ướt. Ban ngày chúng lẫn ở dưới đất, đêm khuya khi sương xuống mới ngoi lên.

Trong y học cổ truyền, giun đất được sử dụng làm thuốc được gọi là Địa long. Tuy nhiên để trở thành vị thuốc, giun đất phải được bào chế an toàn cho người sử dụng.

Theo y học cổ truyền, địa long có vị mặn, tính hàn, quy các kinh can, tỳ, phế, thận, có tác dụng thanh nhiệt, trấn kinh, lợi niệu, giải độc. Vị thuốc này chủ trị sốt cao phát cuồng, động kinh co giật, hen phế quản, di chứng bại liệt nửa người, đau nhức do phong thấp, tiểu không thông.

"Y học hiện đại đã chứng minh địa long có các tác dụng hạ nhiệt, an thần, giãn phế quản, giãn mạch, kháng histamin, chống co giật, chống hình thành huyết khối…", TS Giang nói.

Theo ông, giun đất là vị thuốc trong y học cổ truyền, tuy nhiên, việc tận diệt giun đất sẽ gây ra hậu quả khôn lường.

Giun đất có tác dụng gì mà được thương lái ồ ạt thu mua? - 2

Chủ vườn cam treo biển cấm người lạ vào kích giun (Ảnh: Phúc Minh Điện).

"Nếu giun đất bị kích điện, thu bắt với lượng lớn sẽ làm cạn kiệt nguồn giun đất tự nhiên, từ đó ảnh hưởng đến hệ sinh thái nói chung. Lý do giun đất đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng đất cho cây trồng", TS Giang nhấn mạnh.

Khi sử dụng kích điện, không chỉ giun đất bị tổn thương mà hàng loạt các sinh vật trong đất khác cũng bị hủy diệt gây suy thoái đất và phá hoại môi trường.

Vài năm trước việc sử dụng máy kích điện để bắt giun đã diễn ra tại nhiều địa phương, người dân bắt giun bán cho thương lái nước ngoài. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, thương lái bất ngờ bặt vô âm tính, để lại cho những người dân hàng tấn giun đã được sấy khô, không thể trả lại về tự nhiên. 

Sau thời gian im ắng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình trạng kích giun bán đã xuất hiện trở lại, tràn lan trên nhiều tỉnh thành như Hòa Bình, Thanh Hóa, Tuyên Quang...