Giới chuyên môn nói gì quanh các phát ngôn của "bác sĩ Hà Duy Thọ"?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Các phát ngôn về cách chăm sóc sức khỏe của "bác sĩ Hà Duy Thọ" đã gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều trên hàng loạt diễn đàn Facebook, Tiktok và giới y khoa.

Liên quan đến vụ việc cơ quan chức năng kiểm tra một căn nhà ở quận Phú Nhuận và phát hiện vợ chồng ông Hà Duy Thọ (nổi tiếng với danh xưng "Giáo sư, bác sĩ Hà Duy Thọ") có nhiều sai phạm trong hoạt động khám chữa bệnh, chiều 16/11, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã làm việc với người đàn ông trên.

Các phát ngôn về cách chăm sóc sức khỏe gây ý kiến trái chiều

Giới chuyên môn nói gì quanh các phát ngôn của bác sĩ Hà Duy Thọ? - 1

Cơ quan chức năng kiểm tra nơi khám chữa bệnh không phép của "bác sĩ Hà Duy Thọ" (Ảnh: SYT).

Trước khi bị xử phạt, các phát ngôn về cách chăm sóc sức khỏe của "bác sĩ Hà Duy Thọ" đã gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều trên hàng loạt diễn đàn Facebook, Tiktok và giới y khoa.

Cụ thể, ông Thọ từng chia sẻ "càng uống sữa lại càng loãng xương vì trong sữa có một loại đạm khó tiêu nên cơ thể phải tiết ra nhiều axit, khi hấp thu trong máu khiến máu nhiễm axit và gây bệnh", đồng thời cho rằng, con người uống sữa động vật là vô bổ...

Giới chuyên môn nói gì quanh các phát ngôn của bác sĩ Hà Duy Thọ? - 2

Ông Hà Duy Thọ chia sẻ các kiến thức chăm sóc sức khỏe trên mạng với vai trò "chuyên gia dinh dưỡng" trong suốt thời gian dài (Ảnh chụp màn hình).

"Giáo sư, bác sĩ" tự xưng trên cũng từng nhận định, uống nước bị "chua" (độ pH thấp) có thể gây loãng xương, khuyên người dân cần uống sản phẩm "nước ion kiềm" (độ pH cao) để điều trị các bệnh mãn tính, tim mạch và cả ung thư.

Ông còn cho rằng, ăn gạo lứt muối mè theo phương pháp thực dưỡng Ohsawa có thể khỏi ung thư, kể cả ung thư giai đoạn cuối.

Gần đây nhất khi chia sẻ kiến thức ăn uống, ông Thọ khẳng định nước mắm rót ra 4 tiếng không ăn hết sẽ sinh ra chất gây ung thư. Thông tin này khiến dư luận hoang mang, bởi nước mắm là thứ gia vị không thể thiếu trong bữa ăn của người Việt.

Giới chuyên môn nói gì?

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ThS.BS Châu Tố Uyên, khoa Tiêu Hóa, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) khẳng định, sữa không gây loãng xương như tin đồn lan truyền trên mạng.

Cụ thể, sức khỏe của xương phụ thuộc vào 2 thành phần dinh dưỡng chính là canxi và vitamin D. "Khoảng 99% canxi trong cơ thể người được lưu giữ trong xương, răng. Canxi là một thành phần chính trong cấu trúc xương. Còn vitamin D quan trọng trong việc phát triển và duy trì sức khỏe của xương", chuyên gia nói.

Tầm quan trọng của dinh dưỡng với sức khỏe của xương đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu khoa học. Tăng thêm canxi (dạng viên uống hay sữa) vào thành phần dinh dưỡng sẽ làm tăng lượng xương.

Giới chuyên môn nói gì quanh các phát ngôn của bác sĩ Hà Duy Thọ? - 3

Bác sĩ cho biết, sữa bò là một nguồn dinh dưỡng tốt, dễ dàng cung cấp canxi và vitamin D (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Vì vậy, các nhà khoa học khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe xương cần có thêm canxi và vitamin D. Trong đó, sữa bò là một nguồn dinh dưỡng tốt, dễ dàng cung cấp canxi và vitamin D.

Bác sĩ Uyên phân tích, sữa có sự cân bằng tốt về protein, chất béo, carbohydrate và là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu rất quan trọng. Sữa có nhiều lợi ích, như kiểm soát sự thèm ăn, phát triển xương, giúp tim mạch có sức khỏe tốt…

Chất béo sữa có thể giúp tăng mức cholesterol HDL (cholesterol có lợi), có thể ngăn ngừa bệnh tim và đột quỵ. Ngoài ra, sữa còn là nguồn cung cấp kali tốt, giúp điều hòa huyết áp.

Dù vậy, bác sĩ Uyên khuyến cáo, uống quá nhiều sữa cũng không tốt cho sức khỏe. Đồng thời, có nhiều nguồn dinh dưỡng giàu canxi chứ không riêng sữa bò. Nếu dùng sữa, nên chọn loại có hàm lượng chất béo thấp.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thị Anh Tường, Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết thêm, hiện chưa có tài liệu y khoa hay chứng cứ khoa học nào kết luận có sản phẩm khi người dân dùng sẽ không bị ung thư, hoặc chữa hết bệnh ung thư.

Do đó, việc quảng cáo các sản phẩm có tác dụng nói trên là không có căn cứ.

Về thông tin cho rằng ăn theo chế độ thực dưỡng có thể trị được ung thư, bác sĩ Tường chia sẻ, phương pháp này có nghiên cứu rõ ràng, với bề dày lịch sử trải dài nhiều quốc gia trên thế giới.

Chế độ ăn thực dưỡng không đơn thuần chỉ ăn thực vật mà còn được chú ý đến cách ăn (thiền trong ăn uống), cách chế biến (cân bằng âm - dương, hàn - nhiệt).

Bác sĩ Tường nhận định, thực dưỡng là chế độ ăn tốt cho sức khỏe, nên áp dụng nếu theo được. Tuy nhiên, khi áp dụng máy móc sẽ có nguy cơ thiếu một số nhóm chất như vitamin B12, canxi, vitamin D, sắt, đặc biệt là chất đạm.

Giới chuyên môn nói gì quanh các phát ngôn của bác sĩ Hà Duy Thọ? - 4

Bệnh nhân điều trị ung thư tại TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Khi chọn ăn chế độ thực dưỡng, cần phải tính toán sao cho cân bằng và đầy đủ các nhóm, đặc biệt chất đạm cho cơ thể. "Thực dưỡng là một chế độ ăn lành, giúp cho người ăn có sức khỏe tốt, dễ tiêu hóa, dễ hấp thu, phòng ngừa các bệnh lý mãn tính không lây, trong đó có ung thư.

Tuy nhiên, cần cẩn thận sử dụng chế độ thực dưỡng cho người đang bị bệnh, đang trong giai đoạn hồi phục sau bạo bệnh, trẻ em, phụ nữ mang thai. Đây là những người cần chế độ ăn giàu năng lượng và đạm, với tỷ lệ đạm động vật nhiều hơn thực vật", bác sĩ Tường nói.

Chuyên gia đưa ra lời khuyên, đối với dinh dưỡng nên có thái độ trung dung, món gì tốt nhưng ăn quá nhiều cũng không tốt. Ngược lại, thực phẩm tưởng chừng không tốt nhưng thỉnh thoảng mới ăn thì không đủ để trở thành mối đe dọa sức khỏe cho người tiêu dùng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm