Giám đốc BV Việt Đức: “Vòi vĩnh, lấy phong bì là đuổi việc!”
(Dân trí) - PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, giám đốc bệnh viện Việt Đức (1 trong 5 bệnh viện điểm thực hiện quy tắc ứng xử nâng cao y đức) khẳng định, ở viện Việt Đức, phát hiện cá nhân nào vòi vĩnh phong bì, ông sẽ đuổi việc.
Với tôi, phong bì chẳng là cái gì cả nhưng tôi cho rằng phong bì cũng tùy loại. Tôi đã nói với từng học trò của tôi, làm thế nào khi bệnh nhân được chữa lành, họ có mang quà tới biếu thì phải khóc chảy nước mắt rưng rưng. Còn nếu người ta khi bắt đầu vào bệnh viện phải có phong bì đưa cho bác sĩ thì đó là những phong bì mua chuộc và tôi cho rằng nên gọi những bác sĩ nhận phong bì đó là “kẻ” chứ không phải là con người.
Tôi khẳng định, chúng tôi hoạt động không vì phong bì mà vì cứu người, vì bệnh nhân. Và cuộc sống của chúng tôi đã có những phút giây hạnh phúc, mủi lòng khi bệnh nhân nhớ đến chúng tôi. Như mới đây tôi có chuyến công tác vào Hà Tĩnh, có hai vợ chồng đi xe khách vượt 80km để cho tôi một bao gạo, một chai rượu, một quả mít. Quà quê rất đơn giản, nhưng với tôi, cái đó là cực kỳ quý.
Có thể hiểu quan điểm của ông, phong bì hối lộ thì từ chối, còn quà người bệnh cảm ơn thì bác sĩ có thể nhận? Điều này có dẫn đến tình trạng biến tướng khi nhận phong bì từ nhân viên y tế không, thưa ông?
Đã nói đến phong bì là rất xấu. Còn với tôi, tôi luôn luôn nói không nên nhận. Nhưng mà người ta đi về nhà rồi, tôi không thể biết được việc ở nhà của bác sĩ mà bệnh nhân cũng vì tấm lòng mới đến nhà bác sĩ để đưa quà, chứ họ đã ra viện rồi, tai qua nạn khỏi rồi, chẳng ai có thể ép họ cảm ơn nếu không tự nguyện.
(Ảnh minh họa; tác giả: Ngọc Diệp)
Rất tiếc hiện nay có những con sâu trong ngành y tế, trách nhiệm chúng ta phải loại bỏ những con sâu đó. Cho nên đã có những người xấu, đã bị tôi cảnh cáo và kỷ luật phàn nàn với tôi rằng, khi bệnh nhân về rồi chẳng ai cảm ơn chúng em cả. Tôi nói vậy thì thôi, anh nên nghỉ khỏi ngành y.
Tôi luôn luôn mong cầu bác sĩ của chúng ta được bệnh nhân nhớ đến khi họ đã xuất viện về nhà. Và chỉ có phục vụ bệnh nhân thật tốt, coi người ta như bố mẹ, anh em ruột thịt, như người nhà… thì người ta mới nhớ đến mình.
Tôi khẳng định, ở bệnh viện chúng tôi không có sự phân biệt với bệnh nhân giàu nghèo, già trẻ, to bé, miễn là vào bệnh viện chúng tôi thì là bệnh tật. Tất nhiên nhiều người không hiểu. Rất tiếc khuyết điểm của bác sĩ và nhân viên y tế là chưa thực sự giải thích kỹ để cho người ta hiểu . Đấy là việc phải khắc phục, các khoa phòng hôm nay kí cam kết, về phải giải thích cho người ta hiểu, đừng để cho người ta hiểu sai.
Quy định là vậy, nhưng ở bệnh viện ông, liệu có hiện tượng “sau lưng” mà giám đốc không thể nắm hết? Nếu phát hiện, ông sẽ xử lý như thế nào?
Vì thế, khi nuôi cho người ta tạm đủ rồi thì phải có kỷ luật thật nghiêm. Còn nếu phát hiện ca mổ nhận tiền, xác định đó không phải là tiền vật tư tiêu hao tôi sẽ xử lý ngay, thậm chí đuổi việc. Chắc chắn, bắt được tôi sẽ xử. Tuy nhiên việc kiểm soát được rất khó, vì thế, chúng tôi bắt buộc các khoa phòng đều ký cam kết thực hiện, có cả tập thể giám sát chứ nếu chỉ có vài người thì không thể kiểm soát được.
Nhiều người lo ngại, phong trào mà công đoàn Bộ Y tế đưa ra rất dễ bị rơi vào hình thức. Quan điểm của ông như thế nào? Bệnh viện ông đã có kế hoạch gì để thực hiện Quy tắc ứng xử nâng cao y đức?
Việc xây dựng, triển khai quy tắc ứng xử và nâng cao y đức, bệnh viện chúng tôi đã làm rất lâu rồi. Nhưng mà tôi luôn luôn xác định làm cái gì phải thực chất.
Theo tôi, y đức có hai việc, một là đạo đức và trình độ chuyên môn về y học. Còn nếu cứ vâng vâng dạ dạ nhưng lại để tình trạng bệnh nhân nặng lên, phải nằm ghép 2 - 3 thì đó không gọi là y đức. Nên chúng tôi xây dựng triển khai đồng bộ, chứ không phải chỉ một phần nào đó. Chúng tôi vừa nâng cao tuyên truyền, vừa phải làm sao đổi mới cơ chế quản lý để phục vụ tốt chuyên môn, phát triển khoa học kỹ thuật.
Tôi cho rằng, nếu cơ chế tài chính nếu không thay đổi thì sẽ khó thực hiện phong trào này. Tốt nhất, chúng tôi không bao giờ muốn phải thu tiền của bệnh nhân khi vào viện, rất vất vả. Tốt nhất có bảo hiểm y tế toàn dân, chúng tôi cứ chữa bệnh, BHYT trả về đây. Nếu có bảo hiểm, người nghèo được lợi nhiều nhất. Tôi tin rằng, 85 triệu người nộp bảo hiểm, thì ngành y tế thừa thãi tiền, đầu tư.
Ông có lời khuyên gì cho những người bệnh vẫn cứ “muốn” đưa tiền cho bác sĩ?
Đưa - nhận phong bì là vấn đề từ cả hai phía. Nếu bác sĩ không nhận phong bì, bệnh nhân cũng không được đưa phong bì. Tôi khuyên mọi người đừng bao giờ đưa phong bì cho bác sĩ.
Tôi khẳng định, không bác sĩ nào muốn mình làm sai, không đúng lương tâm để giết người cả, không có một bác sĩ nào muốn mang tiếng là giết người. Vì thế, người bệnh không phải lo, không có tiền thì bác sĩ mổ ẩu cho chết. Nó không chỉ là lương tâm mà còn là danh dự. Vì cùng với ca bệnh như thế, đồng nghiệp mổ thành công, mình thì thất bại, đó là một sự nhục nhã trong nghề nghiệp.
Vẫn có nhiều bệnh nhân, có nhiều người đã mổ xong rồi nhưng họ kéo co đưa phong bì, rất khó cho bác sĩ. Còn như tôi, có người quen mổ muốn đưa phong bì cho tôi, hỏi ý kiến người khác, họ nói đưa ông ấy mắng cho, mà đưa tôi mắng thật nên cũng đỡ gặp những tình huống khó xử.
Hồng Hải (thực hiện)