Bạn đọc viết:

Nói không với "phong bì": Đừng đánh trống bỏ dùi!

(Dân trí) - Gánh nặng y tế người dân phải chịu đã ở tỷ lệ rất cao. Trong khi đó, cùng với đề xuất tăng viện phí, ngành y tế lại chưa trả lời được trước nhân dân rằng tăng viện phí có đảm bảo được tăng chất lượng khám chữa bệnh và giảm quá tải hay không?

Nói không với "phong bì": Đừng đánh trống bỏ dùi! - 1
Cảnh quá tải thường xuyên tại các bệnh viện (ảnh: Vân Sơn)
 

Xin phép được trích lời một số bài viết trên các báo: “Mặc dù ngân sách dành cho y tế đã tăng cao trong 2-3 năm gần đây, nhưng 86% chi phí y tế vẫn do người dân tự chi trả” - Điều này cho thấy gánh nặng y tế mà người dân phải chịu đã ở tỷ lệ rất cao.

 

Vấn đề đặt ra là: viện phí có phải là mấu chốt vấn đề giúp tăng chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, hay chính cơ chế chính sách đúng sẽ tạo nên đòn bẩy thúc đẩy hoạt động y tế tốt hơn. Bởi với một chính sách hoặc cơ chế sai lầm hoặc không phù hợp thực tiễn, thì bao nhiêu tiền đổ vào cũng sẽ như “gió vào nhà trống”.

 

Đã có quá nhiều dư luận không tốt về những nhân viên y tế có thái độ coi thường người bệnh, phân biệt đối xử, thờ ơ vô cảm… Còn những ai muốn không bị đau thì phải bỏ vào túi người tiêm cho họ năm, mười nghìn hoặc nhiều hơn nữa. Bệnh nhân thay băng nếu không “biết ý” thì bị giật, xé thô bạo. Nhưng khi có tiền bồi dưỡng thì nhân viên y tế thay đổi hẳn thái độ.

 

Có lẽ việc hối lộ đã trở thành một thứ “lệ”, nó phổ biến đến nỗi hễ ai không làm theo thì là chuyện bất thường, vô lý. Ví như việc bồi dưỡng cho bác sĩ phẫu thuật. Tình trạng kê đơn thuốc gồm toàn những thuốc ngoại quá đắt; bắt tay với đơn vị phân phối thuốc để ăn hoa hồng; phẫu thuật nhưng cố tình không giải quyết triệt để nguy cơ gây bệnh; hay tổ chức khám chữa bệnh lưu động trái phép, lạm dụng y thuật để lừa bệnh nhân… cũng không phải là chuyện hiếm.

 

Quả là đau xót khi ai đó nhận xét: Người bệnh khi vào bệnh viện phải chịu hai nỗi đau. Nỗi đau thứ nhất do căn bệnh, còn nỗi đau thứ hai do đồng loại mình gây ra. Đau lắm khi bệnh nhân bị hắt hủi, bị từ chối; bệnh nhân phải chấp nhận chờ chết bởi không có tiền hối lộ cho những người thầy thuốc giàu có, bóng bẩy, nhiều khi trông đầy vẻ đạo đức nhưng lại vô tâm.

 

Vấn đề đạo đức người thầy thuốc xuống cấp không phải là chuyện mới mẻ, xa lạ gì. Bản thân ngành y tế cũng đã không ít lần “tuyên chiến” với tệ nạn này. Nhưng mọi chuyện đâu vẫn hoàn đấy vì cả người đề ra chủ trương lẫn người thực hiện đều “đánh trống, bỏ dùi”.

 

Thực ra theo tôi, việc đấu tranh, bài trừ tệ nạn nhận hối lộ trong ngành y, chấn chỉnh y đức sẽ không phải là việc quá khó nếu ngành y tế và cả xã hội quyết tâm làm việc này.

 

Lần này, thông điệp về làm trong sạch ngành y lại được gióng lên mạnh mẽ. Hy vọng rằng sẽ không có chuyện “đánh trống, bỏ dùi” như trước đây nữa.

 

Nick Nokia109 

email:  quen_biet_than_yeu@yahoo.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm