Hà Nội:
Nhân viên y tế 5 bệnh viện lớn cam kết nói không với phong bì
(Dân trí) - 5 bệnh viện điểm gồm BV Phụ sản Trung ương, BV Bạch Mai, BV Việt Đức, BV E, BV K đã cam kết triển khai thực hiện “Qui tắc ứng xử nâng cao Y đức” trong Bệnh viện. Theo đó, cán bộ y tế cam kết không nhận phong bì của người bệnh….
Cuối tháng 9/2011, tại buổi Hội thảo tập huấn “Lập kế hoạch triển khai thực hiện Qui tắc ứng xử nâng cao Y đức, bà Trần Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam đã giới thiệu chi tiết nội dung và kế hoạch cụ thể bản Dự thảo “Lập kế hoạch triển khai thực hiện Qui tắc ứng xử nâng cao Y đức” trong các BV.
Theo đó, tại các bệnh viện, cán bộ nhân viên Y tế thực hiện văn minh giao tiếp ứng xử trong BV; tận tụy vì người bệnh; chào hỏi thân thiện, chỉ dẫn ân cần, tư vấn tận tình; thực hiện nói không với tiền, quà biếu của người bệnh là tình cảm của người thầy thuốc với người bệnh; tôn trọng cán bộ nhân viên Y tế là nét đẹp truyền thống đạo đức của mỗi người dân; giữ gìn nếp sống vệ sinh trong BV là góp phần xây dựng BV văn minh, hiện đại; đảm bảo an ninh, trật tự trong BV là trách nhiệm của cán bộ nhân viên Y tế, người bệnh và người nhà bệnh nhân…
Khó cả đôi đường?
Phong trào vì mục tiêu rất tốt đẹp, cải thiện được mối quan hệ giữa thầy thuốc - bệnh nhân, nhưng liệu có khó thực hiện?
Bà Tâm cho rằng, hành vi đưa - nhận phong bì không phổ biến rộng khắp, chỉ tập trung ở một số ít nơi có điều kiện. Ví dụ, ở các BV tuyến huyện thì hầu như không có chuyện này, bởi tại các đơn vị này, phần lớn BN đến khám bệnh bằng bảo hiểm y tế, ít có điều kiện kinh tế và chỉ là mắc các bệnh thông thường. Vì thế, trong đợt thực hiện đầu tiên quy tắc này, Bộ Y tế đã chọn 5 bệnh viện điểm là những bệnh viện đầu ngành, tập trung đông bệnh nhân với những ca bệnh khó để thực hiện.
Khi được hỏi về việc thực hiện “Quy tắc ứng xử của ngành y tế” tại bệnh viện mình, ông Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho rằng vấn đề “phong bì” bệnh viện Bạch Mai cũng được quán triệt từ lâu, nhưng nếu đánh giá thực tế bác sĩ có còn nhận phong bì hay không thì cũng không ai dám khẳng định.
Còn về phía bệnh nhân, tâm lý ai vào viện cũng “lăm lăm” để đưa phong bì cho bác sĩ vì sợ không có phong bì người nhà mình không được chăm sóc chu đáo, tận tình.
Tại bệnh viện phụ sản TƯ cũng như bệnh viện phụ sản Hà Nội, không quá khó để thấy cảnh người nhà bệnh nhân hỏi han, thì thầm vào tai nhau khoản tiền “bồi dưỡng” bác sĩ sau khi sản phụ mẹ tròn con vuông.
Trả lời câu hỏi của phóng viên “Có bác sĩ nào “quy định” mức tiền bồi dưỡng không?”, người nhà sản phụ đợi trước cửa phòng mổ bệnh viện phụ sản Hà Nội đều lắc đầu “Chẳng ai nói. Nhưng mổ xong thì phải cảm ơn bác sĩ chứ”. Và mức cảm ơn này cũng khác nhau ở từng người từ 1 - 3 triệu tùy điều kiện kinh tế gia đình.
“Quả thực, em vào đây theo dõi đẻ thường theo BHYT, khi không đẻ thường được, bác sĩ chuyển mổ, cũng không ai căn dặn điều gì về khoản nọ, khoản kia. Nhưng sau mổ mẹ tròn con vuông, gia đình vẫn chủ động đưa phong bì bồi dưỡng cho kíp mổ qua bác sĩ quen đã theo dõi thai kỳ tại phòng khám tư”, sản phụ P.T.T (Thanh Xuân) chia sẻ.
Để không nhận thì phải… không đưa!
Đại diện các bệnh viện cũng cho rằng, nguyên nhân của một phần tạo nên câu chuyện phong bì như hiện nay là do chính những người bệnh, người nhà của bệnh nhân. Vì thế, trong dự thảo nội quy thực hiện quy tắc ứng xử nâng cao y đức, Bộ Y tế cũng yêu cầu bệnh nhân và người nhà bệnh nhân phải tôn trọng cán bộ nhân viên y tế, phải thực hiện nếp sống vệ sinh trong bệnh viện, phải đảm bảo an ninh, trật tự trong bệnh viện, tuyệt đối không hút thuốc lá trong bệnh viện, tuyệt đối không đưa phong bì bồi dưỡng cho cán bộ nhân viên y tế.
Cả đại diện 5 bệnh viện trong đợt thực hiện điểm “Quy tắc ứng xử y tế lần này” đều rất ủng hộ chủ trương của Bộ Y tế, quyết tâm thực hiện bằng được nhưng họ cũng băn khoăn, cho rằng cần phải có thêm chế độ đãi ngộ với nhân viên y tế. Lý do đưa ra là muốn nâng cao y đức thì cần phải đi liền với chế độ đãi ngộ tương xứng. Bởi họ phải làm việc trong môi trường có quá nhiều áp lực, quá tải, lương thấp không đủ sống thì khó lòng từ chối phong bì người bệnh.
Khi được hỏi về chương trình cam kết thực hiện thí điểm về nâng cao y đức, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức chia sẻ: "BV Việt Đức thực hiện nghiêm túc chứ không mang tính hình thức. Câu chuyện "phong bì" luôn được quán triệt, cán bộ nào vi phạm sẽ bị kỷ luật…". Nhưng ông vẫn băn khoăn giữa phong bì mà cán bộ y tế chủ động vòi vĩnh thì đương nhiên là cấm và xử lý nghiêm khắc, nhưng với những người bệnh sau điều trị vì cảm kích trước tay nghề bác sĩ, mang phong bì đến cảm ơn thì cũng rất khó để xử phạt.
Tú Anh