Giám đốc Bệnh viện K chia sẻ bí quyết đương đầu với bệnh ung thư

(Dân trí) - GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho rằng người bệnh cần học cách sống chung với bệnh ung thư. Đồng thời giữ cho bản thân thái độ lạc quan, yêu đời, có thể làm những việc yêu thích như nấu ăn, xem phim, nghe nhạc, ngồi thiền, đi bộ, đạp xe, tập yoga…

165.000 ca mắc ung thư mới và gần 115.000 người chết trong năm 2018. Đó là những con số đáng báo động về tình hình mắc ung thư ở nước ta.

Ung thư là bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Điều đáng tiếc là tại nước ta vẫn có hơn 70% người được phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn. Việc điều trị chủ yếu chỉ có thể kéo dài và giảm triệu chứng.

Buồn bã, lo âu, trầm cảm… là những trạng thái cảm xúc thường thấy ở bệnh nhân ung thư. Cứ 4 người mắc bệnh ung thư thì sẽ có một người thực sự bị trầm cảm.

Giám đốc Bệnh viện K chia sẻ bí quyết đương đầu với bệnh ung thư - 1
GS,TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương. Ảnh: Hữu Nghị.

Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, bệnh ung thư ảnh hưởng đến cơ thể và lối sống của từng cá nhân theo cách riêng. Và mỗi người có cách riêng để đương đầu với bệnh ung thư.

“Hầu hết mọi người sẽ tìm ra cách để ổn định, tiếp tục làm việc, thực hiện những sở thích và duy trì các mối quan hệ xã hội của mình. Đồng thời họ sẽ thêm trân trọng cuộc sống và sống sao cho trọn vẹn và ý nghĩa nhất”, GS cho biết.

Người bệnh có thể thử những việc sau để tìm ra cách đương đầu phù hợp với bệnh ung thư.

Thứ nhất, mạnh dạn bày tỏ cảm xúc.

Nhiều người cho rằng việc tỏ ra buồn bã, suy sụp, sợ hãi hay giận dữ là một việc làm thể hiện sự yếu đuối. Nhưng thực tế cho thấy việc thể hiện được cảm xúc thực giúp người bệnh thoải mái và có thái độ tích cực hơn trong quá trình điều trị và trong cuộc sống.

Người bệnh có thể chia sẻ với người thân, người bạn tin tưởng nhất hoặc có thể thể hiện cảm xúc qua những cách khác nhau như viết nhật ký, sáng tác âm nhạc, thơ ca, hội họa… Việc đó sẽ giúp người bệnh cảm thấy kiểm soát được cảm xúc chứ không bị chi phối bởi những cảm xúc của mình.

Giám đốc Bệnh viện K chia sẻ bí quyết đương đầu với bệnh ung thư - 2

Nụ cười của bệnh nhân ung thư tại một lớp học vẽ vẽ Tipsy Art do SCI phối hợp tổ chức. Ảnh: SCI.

Thứ hai, dành thời gian nhiều hơn chăm sóc bản thân

Người bệnh hãy làm những việc yêu thích như nấu ăn, tâm sự với bạn bè, xem một bộ phim, nghe nhạc hay ngồi thiền. Đồng thời luôn giữ cho mình một thái độ lạc quan, yêu đời.

“Có thái độ lạc quan không có nghĩa là bạn không bao giờ cảm thấy buồn, căng thẳng. Khi bạn cảm thấy trùng xuống một lúc nào đó, hãy chia sẻ cảm xúc với người thân của mình”,GS Thuấn nhấn mạnh.

Thứ ba, thực hiện một chương trình thể dục nhẹ nhàng

Bạn có thể đi bộ, đạp xe, tập yoga… trong điều kiện sức khỏe cho phép và theo khuyến cáo của bác sĩ sẽ giúp bạn cảm thấy tràn đầy sức sống hơn.

Thứ tư, mở rộng vòng tay hướng đến bạn bè, gia đình

Khi tình hình trở nên nặng nề hơn và cảm thấy khó khăn, cần có thêm sức mạnh, người bệnh không nên tự đương đầu một mình, mà chia sẻ với bạn bè, gia đình, người thân và các tổ chức hỗ trợ.

GS Thuấn cho rằng, bên cạnh việc tuân thủ điều trị và tiếp nhận những thông tin từ nhân viên y tế, người bệnh cần trang bị thêm cho mình kiến thức về bệnh ung thư đang mắc phải, lối sống, sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng…qua các nguồn thông tin chính thống, đáng tin cậy.

“Giữ cho mình tình trạng thể chất và tinh thần thật tốt chính là chìa khóa giúp bạn đương đầu và chiến thắng bệnh ung thư”, GS Thuấn nói.

Nhiều người vẫn tin rằng bệnh ung thư đồng nghĩa với cái chết, mang án tử. Nhưng thực sự nhiều loại bệnh ung thư có thể chữa trị được. Thực tế vẫn có nhiều người bệnh đang sống khỏe mạnh.

Nam Phương