1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Giải tỏa “nỗi oan” melamine

(Dân trí) - Giới hạn nhiễm melamine trong thực phẩm đã được Bộ Y tế chính thức đưa ra. Những sản phẩm bị niêm phong trước đây giờ có kết quả dưới ngưỡng sẽ được “trả tự do”. Doanh nghiệp bị thiệt hại do “nghi án” melamine sẽ được trợ giúp.

Xung quanh vấn đề này, TS Nguyễn Công Khẩn - Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, đã có cuộc trao đổi với Dân trí.

Sẽ kiểm soát melamin trong thực phẩm

Bộ Y tế đã đưa ra công bố mức giới hạn tối đa của melamine nhiễm chéo trong thực phẩm. Một quyết định thiết yếu nhằm đảm bảo cho sức khoẻ của người dân và cực kỳ quan trọng đối với doanh nghiệp sản xuất thực phẩm? Công bố này dựa vào những yếu tố nào thưa ông?

Bộ Y tế căn cứ vào 3 yếu tố. Một là dựa vào công bố của WHO (ngày 5/12) về lượng melamine ăn vào có thể chịu đựng được hàng ngày. Hai là mức ăn thực tế của các đối tượng nhân dân người Việt Nam. Ba là tình trạng dinh dưỡng của người Việt Nam và các tư vấn cuả các chuyên gia về lâm sàng dược học, dinh dưỡng...

Các nghiên cứu khoa học cho rằng, loại axít có sẵn trong cơ thể kết hợp với melamine là nguyên nhân gây ra bệnh sạn thận ở trẻ em?

Đó là vấn đề mấu chốt quan trọng nhất, nhiều nghiên cứu đã cho thấy melamine được đưa vào cơ thể ở ngưỡng cao kết hợp axít có sẵn trong cơ thể sẽ gây bệnh. Tuy nhiên, nếu melamine được đưa vào cơ thể ở ngưỡng thấp thì nguy cơ mắc bệnh rất ít, và chỉ có thể cố ý đưa melamine với liều lượng cao vào thực phẩm, vượt quá ngưỡng cho phép thì mới sinh ra nguy cơ đáng lo ngại nói trên.

Nghĩa là căn cứ vào Giới hạn tối đa của melamine nhiễm chéo trong thực phẩm do Bộ Y tế đưa ra, có thể đánh giá sản phẩm vô tình hay cố ý có nhiễm melamine?

Đúng vậy, nhiễm chéo nghĩa là không cố ý đưa vào, chỉ nhiễm dưới ngưỡng cho phép. Nếu sản phẩm có chỉ số nhiễm trên ngưỡng này sẽ bị coi là cố ý cho vào hoặc sử dụng nguyên liệu nhiễm nhiều melamine.

Đối với sản phẩm sữa, tôi khẳng định tất cả sản phẩm sữa của Việt Nam không bị cố tình bỏ melamine mà đều nhập nguyên liệu có melamine từ nước ngoài. Nếu lượng melamine thấp thì khó phát hiện, chỉ khi cho vào quá cao mới phát hiện. Từ trước đến nay, xác định melamine trong thực phẩm đều do cố tình cho vào để tăng độ đạm. Mà đã cho vào tăng độ đạm thì hàm lượng phải lớn, trên ngưỡng cho phép. Do đó, hàng hóa sắp tới nhập vào sẽ phải xác định melamine bằng máy móc và hệ thống labô đã có trong thời gian qua.

Ngày 11/12, WHO và Bộ Y tế Việt Nam cùng ra tuyên bố chung về mức giới hạn tối đa của melamine nhiễm chéo trong thực phẩm.

 

Cụ thể, thực phẩm dành cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi có giới hạn tối đa của melamin nhiễm chéo không được vượt quá 1,0mg/kg thực phẩm (<= 1,0ppm); Các loại thực phẩm khác không vượt quá 2,5mg/kg thực phẩm (<= 2,5ppm).

 

Theo Bộ Y tế, Việt Nam là một trong nhiều nước trên thế giới phải gánh chịu ảnh hưởng dây chuyền của sự cố melamine.

Kiểm soát melamine trong thực phẩm cũng là yêu cầu mới đối với thực phẩm lưu thông trên thị trường. Trước đây, trong kiểm tra thực phẩm không có chỉ tiêu về loại hoá chất này, nhưng kể từ nay chỉ tiêu giới hạn sẽ được áp dụng đối với tất cả các sản phẩm thực phẩm trong nước và nhập khẩu. Hơn thế nữa, trong thời gian sắp tới, Cục ATVSTP sẽ còn đưa ra rất nhiều tiêu chuẩn thực phẩm khác được bổ sung, tuỳ theo nguy cơ ô nhiễm (chẩn đoán nguy cơ).

Xét nghiệm tìm melamine: Có thể bị lúc này lúc nọ!?

Khi "cơn bão melamine" xảy ra, nhiều sản phẩm sữa của các doanh nghiệp "dính" melamine dù ít hay nhiều đều bị niêm phong và chờ tiêu hủy, thậm chí đã phải tiêu hủy. Theo ông, có quá vội vàng khi công bố quyết định có melamine khiến doanh nghiệp thiệt hại, người tiêu dùng hoang mang. Tại sao không để mọi việc đã ngã ngũ như hiện nay hãy công bố?

Từ trước đến nay chưa ai quan tâm đến vấn đề melamine, melamine chỉ ở mức thấp, chỉ khi xảy ra sự việc tại Trung Quốc melamine mới được chú ý. Đứng về mặt sức khỏe, khi phát hiện ra melamine chúng ta phải công bố ngay, không được phép cho người dân sử dụng sản phẩm có melamine. Đến nay, khi mọi chuyện đã ngã ngũ thì mới cho tiếp tục nhưng chỉ được ở mức giới hạn cho phép.

Trước khi có giới hạn tối đa của melamine của trong thực phẩm, rất nhiều doanh nghiệp đã phải gánh chịu thiệt hại nặng nề khi sản phẩm bị Thanh tra Bộ thông báo có nhiễm melamine. Đến khi sản phẩm bị tẩy chay, doanh nghiệp đứng bên bờ phá sản kêu oan, đòi làm lại, thì lại có kết quả xét nghiệm công nhận sản phẩm an toàn. Trong trường hợp như vậy, vì sao Bộ không có những công bố rộng rãi hoặc có hành động cụ thể giúp doanh nghiệp?

Gặp tình huống khó khăn, chúng tôi đã có những buổi làm việc kịp thời, cụ thể với doanh nghiệp và đã cố gắng tháo gỡ. Trong quá trình phối hợp xét nghiệm để xác định melamine thì cũng có điều nọ điều kia xảy ra...

Có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp đã gặp thiệt hại nặng khi bị “dính” vào melamine, nhưng chúng tôi ở góc độ Y tế thì cho rằng doanh nghiệp cộng tác tốt thì sẽ khôi phục nhanh chóng. Tai nạn đã xảy ra hoàn toàn không có nghĩa lý đối với một thương hiệu lâu dài.

Về vấn đề giúp đỡ doanh nghiệp, ví dụ với Hanoimilk khi sự việc xảy ra, Cục ATVSTP hết sức lo lắng chia sẻ và ái ngại trước tình thế bất ngờ. Tôi được biết Thanh tra Bộ cũng đã kiểm nghiệm nhanh chóng các lô hàng khi họ yêu cầu làm xét nghiệm. Khi có kết quả dù thế nào cũng công bố ngay.

Cũng sau khi sự việc này xảy ra, Bộ Y tế đã gửi công văn lên Chính phủ đề nghị hỗ trợ Hanoimilk về mặt tài chính, bởi biết rằng đằng sau thiệt hại của doanh nghiệp có số phận của người nông dân.

Gần 700 trăm tấn bột sữa bị niêm phong vẫn còn nằm trong kho của các doanh nghiệp vì Bộ Y tế phát hiện có melamine nay sẽ xử lý ra sao thưa ông?

Có một số lượng sữa nằm dưới ngưỡng đã ban hành. Điều này nghĩa là sản phẩm được phép lưu thông trở lại trên thị trường. Tuy nhiên, về nguyên tắc, sữa phải đảm bảo chất lượng và còn hạn. Trên thực tế “cuộc đời” của sữa khá ngắn (1-3 tháng).

Còn đối với những lô sữa vượt ngưỡng quy định đã ban hành thì theo báo cáo đã tiến hành tiêu huỷ xong.

Xin cảm ơn ông!

P. Thanh (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm