Giải pháp nào cho những bệnh nhân ung thư có nhu cầu sinh con?

(Dân trí) - Song song với việc tiêu diệt khối u, bảo toàn khả năng thụ thai ở bệnh nhân ung thư cũng là một trong những nhiệm vụ được đặt ra, trong cuộc chiến chống lại căn bệnh nan y này.

Nhiều người không may mắc ung thư khi còn trẻ tuổi và vẫn đang có nhu cầu sinh con. Trong khi đó, các phương pháp điều trị ung thư, đặc biệt là hóa trị và xạ trị đều có thể gây tổn thương lên trứng và tinh trùng, từ đó ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của bệnh nhân.

Trước thực tế này, song song với việc tiêu diệt khối u, bảo toàn khả năng thụ thai ở bệnh nhân ung thư cũng là một trong những nhiệm vụ được đặt ra, trong cuộc chiến chống lại căn bệnh nan y này.

Giải pháp nào cho những bệnh nhân ung thư có nhu cầu sinh con? - 1

Để đảm bảo khả năng sinh sản của các bệnh nhân ung thư sau quá trình điều trị, hiện có những phương pháp phổ biến sau:

- Đông lạnh tinh trùng: Trước đợt điều trị, mẫu tinh trùng của bệnh nhân sẽ được xử lý và bảo quản trong nitơ lỏng ở nhiệt độ -196 độ C, trong ngân hàng tinh trùng. Phương pháp này cho phép lưu giữ tinh trùng trong nhiều năm liền, trong khi chất lượng vẫn được đảm bảo.

- Ức chế buồng trứng tạm thời: Buồng trứng được ức chế tạm thời bằng thuốc GnRHa. Loại thuốc này có khả năng ngưng hoạt động của buồng trứng, để bảo vệ cơ quan này trong suốt quá trình điều trị ung thư. Hiểu một cách đơn giản, khi sử dụng GnRHa, bệnh nhân sẽ bước vào trạng thái mãn kinh tạm thời. Việc sử dụng thuốc GnRHa được bắt đầu trước hóa trị. Sau khi quá trình điều trị được hoàn tất, chức năng của buồng trứng sẽ dần được khôi phục lại.

- Bảo quản lạnh trứng hoặc phôi: Bệnh nhân nữ sẽ được tiêm hormone kích thích trứng phát triển mỗi ngày liên tục trong vài ngày, trước khi thu thập trứng thông qua phẫu thuật. Trứng sau đó có thể được cấp đông ngay hoặc tiến hành thụ tinh nhân tạo rồi cấp đông dưới dạng phôi.

- Chuyển dịch buồng trứng: Buồng trứng sẽ được tạm thời di chuyển khỏi vị trí thực hiện xạ trị, thông qua phẫu thuật, để tránh bị tổn thương do phơi nhiễm trực tiếp với tia phóng xạ.

Minh Nhật

Theo MX