Giải pháp mới cho trẻ em nói thều thào, giọng yếu, phát âm sai vì dị tật môi vòm

(Dân trí) - Các phẫu thuật dị tật khe hở vòm miệng có thể khắc phục được về thẩm mỹ bên ngoài giúp trẻ trở lại bình thường. Tuy nhiên, sau phẫu thuật nhiều trẻ có tình trạng phát âm sai, phát âm yếu thều thào không rõ ràng...

ThS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, khe hở môi và vòm miệng là một dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt hay gặp. Trên thế giới, tỷ lệ mắc dị tật này trong số trẻ mới sinh là 1/600 đến 1/1000. Ở Việt Nam, tỷ lệ này dao động từ 0,1 đến 0,2%. Trong đó khe hở vòm miệng chiếm 40%.

Khe hở vòm miệng gây ra các rối loạn trầm trọng cho trẻ như khó ăn-bú, hay bị sặc, dễ mắc các bệnh đường hô hấp, rối loạn phát âm, rối loạn tâm lý… Phẫu thuật cho trẻ bị khe hở vòm đã rất phổ biến, giúp trẻ khắc phục được tình trạng hở vòm.

Tuy nhiên,có một thực tế các bệnh nhi sau khi được phẫu thuật "đóng kín" các "khe hở" ở môi và vòm thường gặp vấn đề về phát âm, giọng nói yếu.


Hệ thống ống nội soi mềm được tài trợ sẽ giúp các bác sĩ tìm ra chính xác nguyên nhân để khắc phục tình trạng nói ngọng, phát âm sai, giọng nói yếu sau mổ dị tật môi vòm cho bệnh nhi. Ảnh: H.Hải.

Hệ thống ống nội soi mềm được tài trợ sẽ giúp các bác sĩ tìm ra chính xác nguyên nhân để khắc phục tình trạng nói ngọng, phát âm sai, giọng nói yếu sau mổ dị tật môi vòm cho bệnh nhi. Ảnh: H.Hải.

BS Lan cho biết, rất nhiều bệnh nhi được bố mẹ đưa trở lại BV khám do trẻ phát âm sai, phát âm không rõ ràng, giọng nói yếu, thều thào, yếu nên mọi người xung quanh rất khó nghe. Vì thế, dù bề ngoài đã được khắc phục nhưng trẻ lại tiếp tục tự ti về giọng nói nên càng ngại giao tiếp, sống khép kín. Các hiện tượng phát âm sai, phụ âm yếu, hơi thoát qua mũi, cộng hưởng,... là do rối loạn chức năng vòm hầu, tức là vòm mềm đã không đóng một cách hợp lí trong suốt quá trình tạo phát âm thanh.

Thường có 3 dạng rối loạn chức năng vòm hầu gồm: thiểu năng vòm hầu gây ra các khiếm khuyết về giải phẫu hoặc cấu trúc mà ngăn cản vòm hầu đóng kín khi phát âm; Vòm hầu di động kém, thường do rối loạn thần kinh sinh lí mà kết quả là việc cấu trúc vòm hầu di động yếu, không thể đóng kín hoặc đóng chậm trong suốt quá trình phát âm; Do thói quen cũ để lại làm cho vòm hầu đóng sai vị trí để thích nghi.

Ở nhiều nước trên thế giới đã ứng dụng phương pháp nội soi bằng ống mềm qua đường mũi để chẩn đoán ba dạng rối loạn chức năng vòm hầu trên để tìm ra nguyên nhân nói ngọng, giọng yếu ở trẻ em.

Tại BV Nhi Trung ương cũng may mắn là được tài trợ một máy nội soi ống mềm từ Đài Loan. Ngày 18/12, bệnh viện đã nhận được tài trợ thiết bị nội soi này.

"Với thiết bị nội soi ống mềm sẽ giúp bác sĩ tìm nguyên nhân vì sao trẻ nói ngọng, phát âm sai để có hướng can thiệp kịp thời.Nhờ có thiết bị này, chúng tôi đã nhìn được khả năng di động của vòm hầu trong suốt quá trình phát âm và chúng tôi chẩn đoán chính xác được tỉ lệ đóng kín của vòm hầu. Nhờ đó mà chúng tôi lựa chọn từng kĩ thuật mổ sao cho phù hợp nhất trên từng ca bệnh", BS Lan cho biết.

GS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, do đặc thù là bệnh viện tuyến cuối nên mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận một lượng bệnh nhân rất lớn đến khám và điều trị.

Riêng trong lĩnh vực hàm mặt, chuyên sâu hơn là các dị tật môi vòm, với hệ thống nội soi mềm này không chỉ giúp nội soi chẩn đoán chính xác các vấn đề của trẻ khuyết tật vòm miệng từ đó tìm ra giải pháp phù hợp nhất, mà còn góp phần đào tạo nâng cao tay nghề cho các y bác sĩ hai bên. Với các ca bệnh khó sẽ được chuyên gia 2 bên trao đổi, hỗ trợ điều trị để mang lại kết quả tốt nhất cho người bệnh.

Hồng Hải