Giải cứu bộ ngực "khủng" 2kg bị sa trễ cho bà mẹ hai con
(Dân trí) - Bầu ngực quá khổ mỗi bên nặng đến gần 1kg, khiến chị Thư (40 tuổi, ở Bình Định) khổ sở vì mất tự tin, có cảm giác nặng nề mất cân đối.
Từ thời con gái, chị luôn tự hào vì bầu ngực đầy đặn, nở nang. Tuy nhiên sau khi sinh 2 con thì ngực của chị to lên rất nhanh, phì đại, sa trễ rất nhiều. Cảm giác nặng nề ở ngực, tình trạng bị hăm ở vùng chân ngực khiến chị khó chịu, mất tự tin.
Sự mất cân đối này càng trầm trọng hơn khi chị đi phẫu thuật tạo hình thu gọn bụng cách đây 6 tháng. “Bầu ngực quá khổ so với bụng khiến tôi mất tự tin mỗi khi ra đường. Đi đường lúc nào cũng có cảm giác như sắp ngã chúi về phía trước”, bà mẹ hai con chia sẻ.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết bệnh nhân đến viện trong tình trạng ngực sa trễ trầm trọng khiến hai đầu ngực chúc hẳn xuống dưới. Khoảng cách đòn núm vú là 29cm, trong khi ở phụ nữ trưởng thành khoảng 17-19 cm tức là sa trễ mức độ nặng (độ 3). Kèm theo tuyến vú nặng nề thể tích khoảng 1000 ml mỗi bên.
Theo bác sĩ Minh, bệnh nhân cao 1m60, nặng 70 kg, với thể trạng như trên vú có thể tích khoảng 350 ml là vừa phải. Bệnh nhân được phẫu thuật tạo hình lại vú bằng cách sử dụng cuống mạch nuôi đơn vị quầng núm vú để bảo tồn núm vú.Đây là phương pháp tiến nhất hiện nay.
Trước mổ bệnh nhân được xác định bản đồ mạch nuôi cho tuyến vú bằng chụp cắt lớp dựng mạch, sau đó xác định lại bằng các thiết bị siêu âm cầm tay đặc biệt. Việc xác định bản đồ mạch muôi giúp xác định chính xác nguồn máu nuôi tốt nhất cho quầng núm vú. Đồng thời, phẫu thuật viên có thể lựa chọn nguồn mạch thuận lợi nhất để tạo được kết quả thẩm mỹ cao nhất.
Bệnh nhân được cắt bỏ mỗi bên khoảng 600 gr tuyến vú thừa xung quanh cuống mạch và đơn vị quầng núm vú sau đó được tạo hình lại. Ca mổ tiến hành trong khoảng 3 giờ đồng hồ.
“Với những trường hợp có độ sa trễ lớn như trường hợp trên khi tạo hình bằng phương pháp thông thường dễ gây ra hoại tử đơn vị quầng núm vú do cuống nuôi quầng núm vú quá dài. Vì thế, để khắc phục biến chứng này, bác sĩ phải xác định nguồn máu nuôi tốt nhất cho quầng núm vú, tránh việc cắt ngang cuống mạch quan trọng này”, bác sĩ Minh cho biết. Khi vú phát triển đến đâu mạch nuôi này cũng sẽ chạy theo để cấp máu đến đó,
Ngoài ra, điểm đặc biệt của ca mổ là bảo tồn vạt mạch xuyên dạng cánh võng ở cực dưới, bác sĩ sẽ dùng phần này để khâu treo và đỡ toàn bộ tuyến vú lên.
Theo bác sĩ Minh, kỹ thuật này giúp tạo hình dáng tròn đầy cho bầu vực về thẩm mỹ. Đồng thời, nhờ treo đỡ toàn bộ hệ thống tuyến vú từ phía dưới nên kết quả sau mổ lâu dài rất khả quan, giúp tránh được việc truyến vú sa trễ lại sau thời gian 1-2 năm.
Bác sĩ lưu ý tình trạng sa trễ ngực đa phần xảy ra ở các chị em sau sinh. Sữa về quá nhiều làm bầu vú căng nặng, trọng lượng của vú cộng thêm tác động bú mút của trẻ khiến tuyến vú bị sa trễ rất lớn. Bác sĩ từng gặp trường hợp bị phì đại tuyến vú với mỗi bên vú khoảng 1500 ml, khoảng cách đòn núm lên đến 33 cm.
Vì thế, các bà mẹ nên cho con bú đều cả hai bên để tránh một bên bị sa trễ. Sau khi sinh vẫn nên mặc áo lót mềm mại, thoáng mát để nâng đỡ bầu ngực, không nên thả rông.
Ngoài ra, các chị em nên cho con bú theo giờ chứ không nên cho con vú cả ngày. Khi trẻ được 6 tháng thì cho con ăn dặm để san sẻ phần dinh dưỡng với sữa mẹ. Sau từ 1-1,5 năm, có thể cân nhắc cho con cai sữa khi đó trẻ có thể ăn ngoài hoàn toàn, tránh các trường hợp con đến 4 tuổi vẫn còn bú mẹ.
Với các bạn trẻ có tình trạng phì đại, sa trễ vú bẩm sinh cần đến khám tư vấn bác sĩ để có thể can thiệp nếu gây ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày.
Nam Phương
* Tên nhân vật đã được thay đổi