Gia tăng tình trạng mất ngủ, lo lắng, trầm cảm vì dịch Covid-19
(Dân trí) - Kết quả phân tích về tỉ lệ mắc các rối loạn tâm thần trong đại dịch Covid-19 cho thấy, tỉ lệ mắc rối loạn trầm cảm là 31,4%, rối loạn lo âu là 31,9%, căng thẳng là 41,9%, rối loạn giấc ngủ là 37,9%.
Thông tin trên được PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết tại lễ mít tinh và hội thảo trực tuyến hưởng ứng Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới (10/10).
Theo đó, kết quả phân tích 66 nghiên cứu trên thế giới về tỉ lệ mắc các rối loạn tâm thần trong đại dịch Covid-19 cho thấy, tỉ lệ mắc rối loạn trầm cảm là 31,4%, rối loạn lo âu là 31,9%, căng thẳng là 41,9%, rối loạn giấc ngủ là 37,9%.
PGS Hưng cho biết, tại Việt Nam, một nghiên cứu trước đó ghi nhận khoảng 14,9% dân số từng gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Con số này đã tăng cao hơn trong đại dịch Covid-19.
Tại lễ mít tinh, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm gia tăng đáng kể các rối loạn sức khỏe tâm thần, làm trầm trọng hố ngăn cách bất bình đẳng giữa các tầng lớp trong xã hội kèm theo các hậu quả nặng nề.
Vấn đề sức khỏe tâm thần không chỉ là vấn đề cần quan tâm ở Việt Nam, mà trên toàn thế giới.
Theo GS Thuấn, tính trên toàn cầu cứ 4 người có một người có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Có 10 nguyên nhân chủ yếu gây mất khả năng lao động là do các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Đặc biệt trong diễn biến dịch Covid-19 phức tạp cũng đã tác động đến một số nhóm dễ bị tổn thương là nhân viên y tế, người ở tuyến đầu chống dịch, người có bệnh lý nền, người sống độc thân... Ngoài ra, Covid-19 cũng khiến việc cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh và điều trị các rối loạn tâm thần bị gián đoạn và gặp rất nhiều khó khăn.
Trong thực tế điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cũng cho thấy sự gia tăng các trường hợp rối loạn trầm cảm, lo âu, căng thẳng... do đại dịch Covid-19.
"Điển hình là các trường hợp rối loạn trầm cảm, lo âu, mất ngủ sau khi được xác định dương tính, rối loạn giấc ngủ, căng thẳng khi phải đi cách ly tập trung", TS.BS Cao Thị Vịnh, Trưởng khoa Tâm thần người cao tuổi cho biết.
Theo TS Vịnh, trong đợt dịch căng thẳng tại TPHCM, bác sĩ đã tư vấn cho rất nhiều trường hợp F0, người thân của F0 qua hình thức trực tuyến.
"Nhiều F0 rơi vào tình trạng khủng hoảng. Bên cạnh các triệu chứng của bệnh Covid-19 như sốt, đau họng, khó thở, vấn đề tâm lý ảnh hưởng rất lớn đến những bệnh nhân này. Nhiều người trong số họ mất ngủ, lo lắng, bồn chồn, không yên, thậm chí có người tâm sự họ có ý tưởng tự sát. Bởi họ thấy xung quanh mình nhiều người mắc Covid-19 không qua khỏi, có người thân rời nhà đi bệnh viện và không trở về...", TS Vịnh nói.
Điều này cho thấy, ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên sức khỏe tâm thần rất lớn.
Hay có trường hợp nam công nhân 42 tuổi ở Nghệ An, khi dương tính, bệnh nhân lo lắng căng thẳng, biểu hiện đầu tiên mất ngủ, ăn kém. "Bệnh nhân hầu như không ngủ, ngủ chợp chờn trong giai đoạn bệnh. Sau 14 ngày hết triệu chứng Covid-19, được người quen giới thiệu, bệnh nhân đã kết nối với bác sĩ tâm thần. Bệnh nhân này sau khi được trị liệu triệu chứng trầm cảm, lo âu đã ổn, bệnh nhân ăn được, ngủ được, tươi vui, tự tin", BS Vịnh chia sẻ.
BSCKII Nguyễn Thị Vân, Trưởng khoa Bán cấp tính nữ (Bệnh viện Tâm thần Trung ương I) cũng chia sẻ trường hợp nữ sinh năm cuối trường Đại học Ngoại thương, sau tiêm mũi một vaccine phòng Covid-19, bệnh nhân rơi vào tình trạng căng thẳng, sợ hãi, mất ngủ, sợ tiêm nhắc mũi 2. Đến lịch tiêm, gia đình ép nữ sinh đi tiêm về "bùng nổ" một loạt triệu chứng bất thường gồm: khóc, nhắm mắt (vì nói mở mắt ra thấy người xung quanh biến dạng), không giao tiếp với mọi người, sợ, cảm giác có người này người kia nhập vào mình...
"Đây là một trường hợp loạn thần cấp. Bệnh nhân được tiêm cuối tháng 9, đến nay sau 7 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân đã ổn định, ngủ 6-7 tiếng/ngày, khi thức dậy giao tiếp với mọi người", BS Vân thông tin.
Theo BS Vân đây là những trường hợp có phản ứng quá mức, khi tiếp cận với những thông tin tiêu cực, lo lắng về tiêm vaccine Covid-19 trên mạng xã hội, lấn át hết những ý nghĩa tích cực mà tiêm phòng mang lại.
Vì vậy, theo các bác sĩ, vấn đề sức khỏe tâm thần rất cần được quan tâm trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài. Những người xuất hiện vấn đề tâm lý, tinh thần trong giai đoạn này rất nên có sự hỗ trợ, tư vấn của bác sĩ tâm lý để vượt qua khủng hoảng.